Cá chết đồng loạt bất thường ở Thừa Thiên - Huế: Nông dân điêu đứng

14/09/2019 10:00 GMT+7

Tình trạng cá nuôi lồng đồng loạt chết chưa rõ nguyên nhân trong hai ngày qua, khiến nhiều hộ nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại nặng nề.

Bán đổ bán tháo với giá chỉ vài ngàn đồng mỗi kg

Rạng sáng 13.9, người dân nuôi cá lồng trên sông Đại Giang, thuộc địa bàn thôn 10, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) bắt đầu phát hiện cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.

Người dân khóc nức nở vì hơn 60 tấn cá nuôi chết đồng loạt

Các loại cá chết chủ yếu là cá trắm, cá mè và cá leo, được bà con thả nuôi từ cuối tháng 4, hiện chuẩn bị thu hoạch để bán. Số cá chết phần lớn có trọng lượng từ 1,5 đến 3 kg.
Thống kê chưa đầy đủ tại xã Thủy Phù có 120 lồng nuôi cá, mỗi lồng trung bình 300 kg của người dân bị chết đồng loạt, không còn con nào sống sót.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, đến trưa cùng ngày, cá tiếp tục chết. Đến cuối ngày toàn xã Thủy Phù có hơn 30 tấn cá nuôi trên sông Đại Giang bị chết. Để vớt vác, người dân đã vớt cá, nhưng do số lượng cá chết quá nhiều nên người dân bán đổ bán tháo với giá chỉ vài ngàn đồng mỗi kg, thay vì 20 - 30.000 đồng như thông thường.

Phần lớn cá bị chết đều đến kỳ thu hoạch

- Ảnh: Đ.T

Sau đại nạn cá chết, trông chờ được hỗ trợ

Gia đình tôi nuôi 6 lồng cá leo gần thu hoạch rồi nhưng chừ chết hết, bán không mấy đồng hết. Chừ không có tiền mà đầu tư lại, mất trắng tay, gia đình tất cả bà con không có tiền mà mua giống thả lại. Mong nhà nước hỗ trợ một số vốn cho bà con để được đầu tư lại nuôi cá, không thì quá khổ, gia đình quá khổ”, chị Võ Thị Nhỏ, thôn 10, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, nói trong nước mắt.
Trong khi đó, sau khi nhận thông tin cá chết bất thường, ông Lê Hữu Trí, Phó chủ tịch UBND xã Thủy Phù cũng đã có mặt ở hiện trường kiểm tra, trấn an bà con, đôn đốc việc xử lý môi trường tránh gây ảnh hưởng đến môi sinh và ảnh hưởng khu vực nuôi cá chung.
Hiện xã Thủy Phù đã báo cáo hiện tượng cá chết lên cấp trên và đang thống kê, rà soát các hộ dân bị thiệt hại để lập các thủ tục, hồ sơ theo quy định để đề nghị cấp trên xem xét hỗ trợ thiệt hại đối với các hộ dân.

Vùng nuôi cá ở thôn 10, xã Thủy Phủ, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) cá bị chết đại trà gây thiệt hại lớn

Ảnh: Đ.T

Liên tục xảy ra tình trạng cá chết

Đáng chú ý, hiện tượng cá chết hàng loạt cũng xảy ra trên sông Đại Giang ở một địa phương khác là xóm Dừa, thôn Hòa Phong, xã Thủy Tân (thị xã Hương Thủy). Trong 2 ngày 12 và 13.9, khoảng 30 tấn cá trắm và mè của người dân nơi đây cũng bị chết chưa rõ nguyên nhân.
Như vậy, chỉ trong 2 ngày 12 và 13.9, trên sông Đại Giang, người nuôi cá ở 2 xã Thủy Phù và Thủy Tân thiệt hại hơn 60 tấn cá, ước thiệt hại tiền lên nhiều tỉ đồng..
Trước đó, từ ngày 25.6 đến 2.7, cũng trên đoạn sông Đại Giang, 28 hộ nuôi khu vực thôn Hòa Phong (xã Thủy Tân) do nắng nóng kéo dài, trong khi bèo tây phủ dày trên mặt sông khiến nước không lưu thông đã làm cá chết do ngột ô xy, gây thiệt hại 167 lồng cá với khoảng 39 tấn. 

Cá nuôi lồng trên sông Đại Giang đồng loạt chết với mức độ lớn xảy ra trong 2 năm qua

Ảnh: Đ.T

Sẽ vận dụng hết sức để tìm kiếm phương án hỗ trợ

Chiều 13.9, ông Nguyễn Đắc Tập, Phó chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, cho biết các cơ quan chuyên môn thị xã đang phối hợp Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế thu thập mẫu, phân tích nhằm làm rõ nguyên nhân.
Theo ông Tập, nguyên nhân nguồn nước ô nhiễm từ các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (thị xã Hương Thủy là địa bàn trọng điểm về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên - Huế) được loại bỏ, do các khu này ở xa sông Đại Giang.
Vào cùng kỳ cách nay 2 năm, hiện tượng cá nuôi chết số lượng lớn cũng đã xảy ra trên sông Đại Giang. Nguyên nhân sau đó được nhận định do môi trường nước thay đổi, kèm theo mật độ nuôi dày nên làm cá chết.
“Rút kinh nghiệm, người dân đã giảm mật độ nuôi nhưng nay cá vẫn chết. Theo quy định hiện hành thì rất khó để hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi, nhất là khu vực nuôi cá của bà con không nằm trong quy hoạch vùng nuôi cá lồng nước ngọt, tuy nhiên lãnh đạo thị xã cũng sẽ vận dụng hết sức để tìm kiếm phương án hỗ trợ, chia sẻ gánh nặng thiệt hại của người nuôi”, ông Tập chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.