Sau 'cơn mưa độc', tiền tỉ trôi sông chỉ trong 1 giờ
[VIDEO] Bất lực nhìn cá chết trắng sông La Ngà, dân lâm vào thảm kịch nợ nần
|
Mặc dù tình trạng cá chết đã xảy ra gần 1 tuần (ngày 16.5), nhưng trong sáng 22.5, khi vừa đặt chân đến cầu La Ngà (H.Định Quán, Đồng Nai), PV Thanh Niên vẫn còn ngửi thấy mùi hôi thối vì cá chết bốc lên từ làng bè.
|
Tại bến cá sát mép sông La Ngà, bình thường khung cảnh ở đây khá nhộn nhịp, tấp nập kẻ mua người bán, người vận chuyển cá đi tiêu thụ, nhưng nay rất vắng. Các hàng quán được dựng lên hai bên đường đi xuống vắng khách, chỉ lèo tèo vài người.
|
|
Ghé vào một quán nước, chúng tôi gặp anh Huỳnh Văn Song (47 tuổi) đang nằm ủ rủ trên võng. Anh Song là một nạn nhân của những “cơn mưa độc” hai năm liên tiếp. Năm 2018, anh bị chết 7 dèo cá (một bè cá được chia ra làm nhiều dèo cá - PV) với hơn 50 tấn cá lăng và điêu hồng, thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng. Năm nay, anh nuôi 6 dèo, cá đang thời điểm lớn, tổng cộng cũng hơn hai mươi tấn, và lại bị chết sạch, thiệt hại ít hơn nhưng cũng ngót nghét một tỉ đồng.
|
”Năm ngoái tôi được nhà nước hỗ trợ 216 triệu đồng, nhưng số tiền đó cũng chưa đủ tiền mua cá giống thả vụ mới, còn tiền cám thì phải vay mượn, mua nợ. Tính vụ cá này thu lại để trả nợ, nhưng giờ chết tiếp thì trắng tay luôn, giờ tôi cũng không biết thế nào, chắc bỏ nghề chứ tiền đâu nữa mà nuôi, đâu ai cho mượn", anh Song buồn rầu nói.
Còn anh Võ Văn Thảo (43 tuổi) cho biết: “Năm ngoái tôi chết 117 tấn cá hồng, 20 tấn cá chép và 18 tấn cá lăng, thiệt hại hơn 6 tỉ đồng, sau đó được nhà nước hỗ trợ 600 triệu đồng. Còn năm nay do nhanh tay nên đã kéo được hơn một nửa số dèo cá đi tránh nạn, chỉ chết 8 dèo cá hồng, 5 dèo cá lăng, thiệt hại khoảng 1 tỉ”.
|
Anh nói tiếp: “Đợt cá chết vào năm ngoái khiến tôi lại mắc nợ hơn 1 tỉ đồng, năm nay tính gỡ gạc nhưng cá lại chết tiếp kiểu này thì khả năng lại lâm nợ”.
|
Sông La Ngà bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng), có chiều dài trên 272 km, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai rồi đổ vào hồ Trị An. Bà con nơi đây cho biết nghề nuôi cá bè trên sông La Ngà bắt đầu vào những năm cuối thập niên 1980, khi một số Việt kiều từ Campuchia hồi hương chọn đây làm nơi trú ngụ. Làng bè dần dần hình thành, phát triển, nhiều người dân ở miền Tây nghe trên này làm ăn được cũng kéo nhau lên lập nghiệp, tạo nên làng bè đông đúc như hiện nay. Theo thống kê của UBND H.Định Quán, có gần 200 hộ đang sinh sống, nuôi cá bè trên lòng sông La Ngà.
|
Theo bà con nông dân nuôi cá, nghề nuôi cá trên sông La Ngà nếu ổn thì mang lai nguồn thu kha khá, nếu ai nuôi nhiều có thể giàu có. Nhưng hai năm nay, với tình hình cá chết đồng loạt như thế này, thì hầu như ai cũng trắng tay, tài sản gầy dựng bao năm bay mất.
Làng bè nuôi cá trên sông La Ngà có hàng chục năm qua. Từ trước tới nay người dân nuôi cá không có bị gì, nếu mưa lớn, cùng lắm cá bị ngộp và chết vài chục ký, nhiều lắm thì vài trăm ký. Còn từ lúc nhà máy xoài mọc lên (3 năm nay) thì xảy ra hai đợt cá chết đồng loạt với số lượng rất lớn.
Thiệt hại đủ bề, bao giớ hết "điệp khúc cá chết"?
Theo báo cáo UBND H.Định Quán, vào sáng sớm 16.5, trên địa bàn xảy ra cơn mưa lớn, một lúc sau nước từ thượng nguồn đổ về khiến cá bè nuôi trên sông La Ngà chết hàng loạt. Nhận được tin báo, huyện đã cử lực lượng xuống nắm tình hình và phối hợp với Chi cục Thủy sản, Chi cục Bảo vệ tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai lấy mẫu nước, mẫu cá để phân tích làm rõ nguyên nhân.
Thống kê ban đầu cho thấy tổng cộng 16 hộ bị thiệt hại, với số lượng cá chết là 338 tấn, gồm các loại cá lăng, chép, điêu hồng, mè. Tuy nhiên, đến ngày 20.5, số lượng thống kê có sự tăng vọt lên 81 hộ, với tổng số lượng cá chết là 976,4 tấn.
Cũng theo UBND H.Định Quán, tình trạng cá bè nuôi trên sông La Ngà chết thường xuyên xảy ra vào dịp giao mùa, khi kết thúc mùa khô chuyển qua mùa mưa. Thời điểm này nước sông cạn, khi xảy ra mưa lớn làm nước từ đất liền chảy xuống, trong khi số lượng bè nuôi dày làm lượng oxy trong nước tụt giảm dẫn đến cá chết. Năm nay, do dự đoán trước tình hình, huyện đã vận động các hộ nuôi giảm đàn, giảm mật độ nuôi, khẩn trương bán các loại cá đến kỳ thu hoạch nên số lượng cá chết đã giảm so với năm ngoái.
|
Vào tháng 5.2018, tại làng bè sông La Ngà cũng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, tổng cộng hơn 1.500 tấn cá các loại của dân nuôi bị chết sau cơn mưa lớn.
Vào cuộc xác minh, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai xác định nguyên nhân cá chết là do thiên tai. Theo đó, vào ngày 21.5, một cơn mưa lớn cuốn nhiều tạp chất, rác thải trên mặt đất xuống sông và đổ về hạ nguồn. Đồng thời lúc này mực nước tại khu vực nuôi cá (ở hạ nguồn) đang thấp khiến lượng oxy trong nước bị thiếu hụt, gây ra tình trạng cá chết. UBND tỉnh Đồng Nai sau đó đã chi 12 tỉ đồng hỗ trợ cho các hộ dân.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND H.Định Quán, cho biết hiện huyện vẫn đang chờ kết quả điều tra, kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh. Về ý kiến của người cho rằng cá chết vì nhà máy xả thải, ông Tài cho hay ven sông La Ngà đoạn qua địa bàn huyện có 3 nhà máy, trong đó hai nhà máy nằm ở phía hạ lưu không ảnh hưởng gì đến làng bè. Nhà máy còn lại là nhà máy chế biến xoài nằm ở thượng nguồn và huyện đã yêu cầu nhà máy này ngưng xả thải ra sông từ mấy tháng trước.
Ông Phùng Cẩm Hà, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản (thuộc sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai), cho rằng để tránh tình trạng cá bè nuôi trên sông La Ngà chết hàng loạt trong thời điểm giao mùa, ngoài việc tuyên truyền vận động người dân giảm bè, giảm đàn, thì cần có quy định cấm đậu bè ở những điểm hay xảy ra tình trạng cá chết trong một khoảng thời gian nhất định.
|
Bình luận (0)