Cá C'râu, là nét văn hóa độc đáo của người bản địa sống giữa lưng chừng trời trên đỉnh núi Ngọc Linh.
Trước lúc lên đường chinh phục Ngọc Linh (Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), ngoài tư trang và đồ nghề tác nghiệp, tôi và đồng nghiệp không quên nhét balô một cơ số thuốc lá, là để chiêu đãi, mời mọc, giao tiếp với đồng bào bản địa. Đường lên Ngọc Linh leo dốc dựng đứng, ai nấy mệt đờ người. Đồng hành với chúng tôi là nhóm thanh niên Xê Đăng dẫn đường. Đưa gói thuốc ra mời, tất thảy đều lắc đầu: "Bọn em không hút thuốc". Tôi buông: "Tốt. Không hút thì đừng tập. Hút thuốc vừa tốn tiền và hại sức khỏe". Cả nhóm thanh niên nhìn nhau cười.
Người Xê Đăng ở Ngọc Linh khi gặp nhau dù ở nhà hay trên rẫy, tiệc cưới hay lễ hội, mừng nhà mới… cũng đều mang bình thuốc bột ra mời gọi là Cá C'râu để thể hiện sự thân mật. |
Vào tới làng Tắk Lan - thôn 3, xã Trà Linh, gặp mấy vị cao niên, chúng tôi nhanh tay lấy gói thuốc ra mời, để tiện bề hỏi chuyện, ai dè đều bị từ chối: Mình không hút thuốc!
Ghé nhà già làng Hồ Văn Lôi (hơn 70 tuổi), người vốn mang trong mình dòng máu Pháp để hỏi chuyện. Ngôi nhà già Lôi khá ngăn nắp, trên giàn bếp ngoài ngô, thóc lúa dự trữ, là một số lượng lớn lá thuốc khô treo lủng lẳng. Nghĩ bụng, già Lôi có nhiều lá thuốc thế kia, chắc già là dân ghiền rồi. Rút vội gói thuốc ra: "Mời già hút điếu thuốc với tụi con cho vui!". Già Lôi khước từ: "Mình không hút thuốc. Dân làng mình không quen hút thuốc. Hút thuốc vào sợ bị sặc, ho chảy nước mắt. Trên này chỉ có ăn thuốc thôi!". Nói xong già Lôi lấy từ túi quần bình nhựa nhỏ, mở nắp đổ ít bột màu xanh ra tay rồi cho vào miệng, ngậm chặt không nói năng gì. Vợ già Lôi lên tiếng: "Ông ấy đang ăn thuốc đấy !". Chúng tôi nhìn già Lôi, ai nấy tròn xoe mắt. Khoảng năm phút sau, già phun bột và bắt đầu kể chuyện.
Thứ bột màu xanh già Lôi cho vào miệng chính là thuốc lá bột. Những cây thuốc lá được trồng trên rẫy, người dân hái lá đem về treo trên giàn bếp. Khi nào lá thuốc khô giòn, họ đem xuống nghiền nát thành bột. Họ dùng vỏ ốc đá đem vào nung chín, giã thành bột nhỏ mịn như vôi để trộn đều với bột thuốc tạo thành một hỗn hợp riêng. Xong, cho vào bình nhựa đậy kín để tránh ẩm và tiện cho việc mang theo bên người.
Người Xê Đăng ở Ngọc Linh khi gặp nhau dù ở nhà hay trên rẫy, tiệc cưới hay lễ hội, mừng nhà mới… cũng đều mang bình thuốc bột ra mời gọi là Cá C'râu để thể hiện sự thân mật. Theo người dân, thuốc ngon là phải thơm nồng nhưng không quá nóng. Lá thuốc sau hái về phải phơi qua một lượt nắng, rồi treo ở giàn bếp để khói bếp xông lên tạo nên mùi thơm đặc trưng. Nói là ăn thuốc nhưng thực ra là cho bột thuốc bột vào miệng ngậm chứ không nuốt vào bụng. Khi ngậm vào, bột sẽ ngấm đều với nước bọt. Người ăn thuốc lấy lưỡi hoặc ngón tay chà cho bột phủ kín hai hàm răng và lợi. Bột sẽ nóng lên cho cảm giác lâng lâng trong đầu. Ngậm khoảng 5 - 7 phút thì bột thuốc hết tác dụng, sau đó phun bột ra ngoài.
|
Tục ăn thuốc của người Xê Đăng có từ ngàn đời nay. Ở Trà Linh, từ người già đến trẻ con, ai thích thì ăn thuốc bột, không cấm đoán. Theo người dân, ăn thuốc bột sẽ diệt được sâu răng nên người Xê Đăng ít khi nào bị đau răng. Phụ nữ Xê Đăng cũng thích ăn thuốc. Họ ăn mọi lúc, mọi nơi. Khi thèm mang ra ăn như người già nghiền ăn trầu. Họ ăn cũng rất điêu luyện và không kém đấng mày râu. Ăn gọn gàng, bột thuốc không hề lãng phí rơi ra ngoài.
Theo chỉ dẫn của người dân, tôi thử Cá C'râu cho biết hương vị. Lúc bột thuốc dính vào răng và lợi, bắt đầu nghe cảm giác nóng dần. Mím chặt môi, hơi nồng càng lên, hít sâu một hơi, cảm giác hơi nóng lan tỏa khắp cổ họng và thông lên mũi. Trong chốc lát, hơi thuốc làm tôi choáng váng, nóng ran mặt, cảm giác tê tê khắp người. Mọi người nhìn tôi cười vang: "Chưa quen đó. Ăn vài lần là nghiền không muốn về xuôi đâu". Chị Hồ Thị Vân, vợ anh Hồ Văn Hình nhìn tôi rồi lắc đầu: "Thua chị em tụi tôi rồi". Chị Vân và nhiều chị em khác ăn thuốc từ nhỏ, đến nay thì đã nghiền hẳn, mỗi ngày chị phải ăn ít nhất 20 lần như vậy.
Theo các già làng, Cá C'râu là cách người dân Xê Đăng thể tình thâm giao, bạn hữu nơi miền sơn cước, không có hại cho sức khỏe, không ảnh hưởng tới người xung quanh mà bảo vệ được răng miệng. Thế nên, tính ra, cách ăn thuốc bột của họ lại ít nhiều có lợi.
Có câu chuyện về Cá C'râu thú vị thế này. "Tay chơi” Hồ Văn Hình - một người giàu có ở Trà Linh nhờ trồng nhiều cây sâm quý, và là người dám đào ao thả cá giữa lưng chừng trời - kể lại rằng: Lần anh bán sâm đưa cả gia đình ra Hà Nội du lịch, sau khi viếng lăng Bác, anh và gia đình vào thăm bảo tàng. Trong bảo tàng nơi đâu cũng thấy biển cấm hút thuốc và dòng No Smoking. Biết nơi cấm hút thuốc, Hình và vợ vừa xem hiện vật lịch sử vừa móc trong túi quần ra lọ nhựa hiên ngang đổ bột ra và thưởng thức. “Đội bảo vệ cứ nghĩ mình đang uống thuốc chữa bệnh. Ai ngờ mình và vợ đang giải quyết cơn ghiền thuốc một cách hợp pháp. Người ta treo biển cấm hút thuốc chứ có cấm ăn thuốc đâu" - Hình cười nói. Và đương nhiên, bột thuốc được Hình phun vào bao và bỏ vào sọt rác.
Hạ sơn rời Ngọc Linh, chúng tôi được dân làng biếu mỗi người một hộp thuốc nhỏ làm kỉ niệm. Dọc đường về hết thuốc gói, anh em lại đem ra nhâm nhi thay thuốc lá, giải mệt, miệng cười đùa: Cá C'râu, Cá phờ râu!
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)