Cá dẻo trông khá giống cá liệt nhưng thon hơn. Chúng không có “cửa” đi vào giỏ của những bà nội trợ khấm khá, cũng không có mặt trong những bữa tiệc tùng vì bị chê là ít thịt và xương xẩu, kho nấu chỉ tổ hao dầu tốn mỡ. Hơn nữa khâu làm cá cũng khá vất vả: phải tỉ mẩn móc cả mang ngoài và trong, làm sạch bụng, cắt vi, cắt đuôi cả tiếng đồng hồ mới được vài chục con. Ấy thế nhưng nó lại là món vừa ngon vừa rẻ đối với những gia đình đông con, có thu nhập thấp.
|
Khi nằm trong nồi canh cà chua với vài tép hành lá, cá dẻo làm cho chén cơm thêm thơm và nồi cơm mau hết. Thịt cá dẻo tuy ít nhưng ngọt lành. Nước canh vì thế cũng chua thanh, thoang thoảng hương cà, hương hành dìu dịu. Mẹ thường nói những người ốm mới dậy, chỉ cần mớ cá dẻo nấu canh với lá me đất mọc hoang ở bờ rào thì dù miệng đang đắng ngắt nhưng ăn vẫn được cơm.
Cứ vài bữa mẹ lại đổi món canh thành món chiên vàng. Cá dẻo tắm qua dầu con nào con nấy vàng hườm, cong mình, bóng nhẫy và thơm lựng, nhìn là muốn cắn. Gắp miếng cá dẻo chấm mắm ớt tỏi sẽ nghe vị beo béo, mằn mặn, cay cay.
Những ngày biển động, mưa gió dầm dề, cá hiếm lắm, lại phải tính toán làm sao để phần cá một bữa có thể dãn thành hai thành ba bữa nên ít người nấu canh cà, cũng không chiên vàng vì sợ hai món này làm... trơn lưỡi, ăn mau hết. “Phương án” tiết kiệm thường được các dì, các mẹ chọn là rắc muối hột lên từng lớp cá, để qua đêm, gọi là muối sươi.
Cá dẻo ăn muối nên khá cứng cáp. Phi dầu cho thơm rồi thả cá vào um, làm món ăn “cầm động”. Mấy nội tướng nghĩ rằng cá muối mặn như thế sẽ làm những đôi đũa bớt “ngó ngàng”. Nhưng khổ nỗi cá muối có cái ngon của nó. Đúng là cá mặn thật nhưng không phải mặn chát, mặn điếng, mặn “đế đô” mà là mặn mòi. Trời lạnh khiến cái bụng mau đói nên bữa nào có cá dẻo muối sươi um với cà chín là cứ phải bỏ thêm gạo vào nồi...
Trần Cao Duyên
>> Mắm cái cá cơm
>> Mùa cá cơm
>> Canh cá liệt
>> Cháo cá thu ngày ấy
>> Cá hồi, cá thu và cơ bắp
>> Cá thu kho lạt
>> Lườn cá ngừ nướng
>> Lát cá ngừ ngày ấy
>> Thơm ngọt đầu cá ngừ
Bình luận (0)