Cả đời tận tụy vì học sinh: Người thầy chuyên “trị” học sinh chưa ngoan

19/11/2012 03:00 GMT+7

Thời kỳ nào cũng có những câu chuyện đầy xúc động về tình thương của thầy cô dành cho học trò, thể hiện sự tận tâm với sự nghiệp trồng người.

Thay vì bắt phạt, la rầy mỗi khi học sinh phạm lỗi, ông lại ngồi uống trà, tâm sự với các em như một người thân trong gia đình.

Cả đời tận tụy vì học sinh: Người thầy chuyên “trị” học sinh chưa ngoan
Thầy Trần Ngọc Minh - Ảnh: M.L

Thầy Trần Ngọc Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM), nay là hiệu trưởng của Trường THPT Nguyễn Văn Tăng, Q.9 - là một người như thế.

 Kể về 8 năm làm hiệu trưởng tại Trường Nguyễn Hữu Thọ (2003-2011), ông cho biết có quá nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhất là với những học sinh chưa ngoan. “Ban đầu, nhận được phân công về trường này, tôi thật sự lo lắng. Vì trường khi đó nằm ngay “khu xóm rác”, dân cư rất phức tạp, chuyện đánh nhau diễn ra như cơm bữa. Hơn thế, đầu vào của trường cũng thuộc dạng thấp nhất thành phố”, thầy Minh chia sẻ.

Chuyện học sinh “choảng” nhau diễn ra nhiều đến mức mỗi tháng, trường phải họp hội đồng kỷ luật đến 2 lần. “Có khi, một ngày học sinh đánh nhau mấy lần, đánh trong trường, ngoài đường, lôi cả giang hồ vào đánh”, thầy Minh cho biết. Vấn đề nhức nhối trong thời điểm đó là giáo viên mới rất sợ về trường này dạy. “Hầu như giáo viên chỉ dạy khoảng 1-2 tuần là xin nghỉ vì không chịu nổi sự quậy phá của học sinh. Tôi chỉ còn cách cố gắng động viên: Nếu dạy được ở trường này thì có thể dạy được ở bất cứ nơi đâu”, thầy Minh nói.

Trước khi về Trường Nguyễn Hữu Thọ, thầy Minh mày mò tìm tài liệu về giáo dục tâm lý cho học sinh chưa ngoan. Từ những kiến thức có được, ông vận dụng vào việc giáo dục học sinh. “Tôi nhớ có trường hợp khi tôi mời một học sinh lên phòng làm việc, thái độ em này rất bất cần. Sau khi tâm sự với em, tôi mới biết hoàn cảnh của em rất đáng thương (cha mẹ ly tán, phải ở nhờ nhà người thân). Câu chuyện cứ tiếp diễn và rồi em này khóc nức nở khi nói về gia đình mình”, thầy Minh kể. Từ những lần như vậy, ông thường tìm việc cho những học sinh hư: khi thì thông tin cho thầy những vụ ẩu đả, lúc giữ vai trò là trật tự viên trong các buổi lễ, văn nghệ… Theo thầy Minh, việc làm này sẽ giúp các em tự có trách nhiệm với bản thân, xóa dần tính quậy phá.

 Nói về phương pháp giáo dục học sinh chưa ngoan thành ngoan, thầy cho biết mình ví học sinh như “hạt nhân”. Nếu dùng vào mục đích sản xuất điện thì nó có ích, tạo bom hạt nhân thì có hại. Vì vậy, thầy đã cho thành lập hàng loạt câu lạc bộ: âm nhạc, hội họa, võ thuật… và tìm cách tuyên truyền để học sinh chưa ngoan tham gia. “Khi học sinh tiêu hao năng lượng trong hoạt động vui chơi thì còn sức đâu để quậy phá, đánh nhau”, thầy Minh đúc kết.

Minh Luân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.