Cả đời theo nghề ghép cây

28/10/2017 09:00 GMT+7

Khoảng 10 năm nay, khi cây giống ở H.Chợ Lách (Bến Tre) nổi lên với số lượng và chất lượng hàng đầu cả nước thì nghề ghép cây (tháp cây) mới bắt đầu được chú ý. Thực tế nghề này đã hình thành hơn 100 năm trước tại khu vực Lộ Đất (thuộc ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành).

Lộ “ghép cây”
Giáp quốc lộ 57, xuyên qua ấp Tây Lộc, Lộ Đất nối dài đến xã Phú Sơn dài khoảng 3 km nhưng có đến hàng trăm cơ sở sản xuất cây giống. Phía sau mỗi cơ sở thường là những biệt thự vườn tráng lệ, nằm bên vườn cây rợp bóng mát.
Mỗi cơ sở ghép cây có khoảng 10 người. Thợ ghép là những thanh niên, còn phụ nữ, người già làm các công việc lặt vặt… Từ hừng đông, mọi người đã bắt đầu vào việc. Bàn tay của những người thợ xoay trở nhanh như quạt gió và rất điêu luyện từ khâu mở bo, cắt mầm, quấn nhựa ni lông vào đầu cây ghép.
Các bậc cao niên và cả chính quyền H.Chợ Lách đều cho rằng khu vực Lộ Đất là cái nôi của nghề ghép cây. Thế nhưng không ai biết chính xác thời điểm nào thì nghề này có mặt ở đây. Ông Nguyễn Hoàng Minh (Chín Minh, 63 tuổi, ở ấp Tây Lộc) được người dân trong vùng xem là gạo cội nghề ghép cây hiện nay. Gia đình ông Minh có 4 đời làm nghề này ở Lộ Đất.
Người thợ cẩn thận đưa mắt ghép vào bo (ghép xoài)
Ông Minh cho biết, ông được các bậc tiền bối kể rằng trước năm 1900, cây ăn trái ở Cái Mơn đã nổi tiếng khắp vùng nhưng về sau chất lượng không được như ý. Lúc đó, các ông Hai Trí, Sáu Trị, Sáu Vinh (nếu còn sống đã hơn 130 tuổi) được một thầy giáo quê Chợ Lách, dạy học ở Sài Gòn giới thiệu một linh mục nhờ giúp đỡ cho học ngành nông nghiệp tại một trường dạy nghề của Pháp mở tại Phan Thiết (Bình Thuận). Sau khi học xong, 3 người về khu vực Lộ Đất mua đất làm vườn và làm nghề ghép cây thuê. Nghề ghép cây bắt đầu từ đó.
Theo ông Minh, nghề ghép cây ở Lộ Đất có thể chia thành 3 giai đoạn phát triển. Sơ khai là kỹ thuật ghép băng nhựa. Dùng sáp đèn cầy phơi khô, vải trắng nhúng dầu bọc xung quanh mầm cây để không bị sâu bọ phá hủy; sau đó để mầm cây vào bo, lấy dây băng đen quấn lại. Tuy nhiên, kỹ thuật này chưa biết cắt đầu bo để tích tụ chất hữu cơ hỗ trợ cho mầm nên mất thời gian đến 3 tháng, tỷ lệ đậu chỉ khoảng 30% và chỉ ghép được giữa loại cây chôm chôm và xoài.
Cực nhọc mà không mấy hiệu quả đã thôi thúc người thợ sáng tạo. Họ nghĩ ra cách lấy dây thun loại lớn thay cho băng đen, lá dừa thay cho vải trắng. Cách này tuy đỡ tốn chi phí hơn nhưng cũng mất nhiều thời gian, mỗi người thợ chỉ ghép tối đa 200 bo giống mỗi ngày nên cuộc sống rất khó khăn. “Các bậc cha chú giữ nghề èo uột lắm vì người thuê không nhiều và ngày công ghép cây chỉ hơn người làm thuê bình thường khoảng 2 - 3 kg gạo. Hơn nữa, nghề này thuộc dạng cha truyền con nối nên người ngoài không tiếp cận được”, ông Minh chia sẻ.
Đến những năm đầu thập niên 1990, nhận thấy kỹ thuật ghép cũ không còn phù hợp, không đáp ứng nhu cầu thị trường thì những người thợ bắt đầu đào tạo “đệ tử” ngoài dòng tộc. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre cũng hỗ trợ tập huấn kỹ thuật ghép xương khúc (trồng cây giống lên cao rồi chặt ngang từ gốc lên khoảng 2 gang tay dùng làm bo, ghép với chồi cùng loại cắt trên cây đang cho trái tốt - PV). Kỹ thuật này thực hiện nhanh, mỗi người có thể ghép đến cả ngàn cây mỗi ngày, tỷ lệ đậu gần như tuyệt đối. Theo ông Minh, việc hoàn thiện kỹ thuật ghép cây giống là bước tiến cực kỳ quan trọng, giúp chuẩn hóa cây giống Chợ Lách và nâng cao năng suất cây trồng.
Ông Minh cho biết chính nhờ nghề này mà gia đình ông có cuộc sống sung túc, nuôi 3 người con ăn học thành tài. Riêng ông, giờ đã già, mắt yếu, đôi tay không còn nhanh nhẹn để có thể đạt phong độ ghép 700 - 800 cây mỗi ngày như những người thợ trẻ. Tuy nhiên vì nhớ nghề, thỉnh thoảng ông cũng tham gia ghép với mọi người. “Đặc thù của nghề ghép cây luôn đòi hỏi đôi bàn tay phải nhanh nhẹn và chính xác. Nếu mở bo chậm, thiếu chính xác, diện tích miệng bo lớn hoặc nhỏ hơn chút xíu cũng ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ đậu cây. Tay không nhanh thì mầm cây có thể bị chết trước khi vào bo”, ông Minh nói.
Thỉnh thoảng ông Chín Minh tham gia ghép cây cùng những người thợ trẻ cho đỡ nhớ nghề
Nghề “đẻ” ra nghề
Chỉ tính riêng H.Chợ Lách hiện có trên 7.000 hộ sản xuất, kinh doanh cây giống, tập trung nhiều nhất ở khu vực Lộ Đất, thuộc 2 xã Vĩnh Thành và Phú Sơn. Cây giống Chợ Lách đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN chứng nhận nhãn hiệu tập thể cách đây 10 năm. Trong năm 2017, nông dân Chợ Lách sản xuất khoảng 30 triệu cây giống, bán khắp thị trường trong nước và xuất sang Campuchia, Lào...
Theo TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách, vài năm gần đây, phong trào chuyển đổi từ cây trồng khác sang cây giống phát triển khá mạnh mẽ. Những hộ vừa trồng vừa ghép cây bán trực tiếp thu lợi nhuận lên đến 500 triệu đồng/công/vụ; còn hộ chỉ trồng và bán cây con thì lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/công/vụ. Hiện trên địa bàn H.Chợ Lách có đến vài ngàn người thợ làm nghề ghép cây. Họ luôn được săn đón liên tục, được trả lương cao.
Vô bịch chuẩn bị đưa cây giống đi bán, công việc có thể giúp cả những phụ nữ lớn tuổi kiếm gần 1 triệu đồng/ngày
Ông Huỳnh Văn Bình (48 tuổi, ngụ xã Phú Sơn, H.Chợ Lách) theo nghề ghép cây hơn 35 năm nay. Khi mới vào nghề, ông cùng 4 người bạn lập nhóm chuyên đi ghép thuê, sau đó thuê thêm một số người, chủ yếu là phụ nữ, theo phụ làm các công việc khác. “Với các loại cây ghép dễ như sầu riêng, mít thì mỗi ngày nhóm của tôi ghép khoảng 5.000 cây; còn các loại cây khác như xoài, bưởi thì chỉ khoảng 2.500 cây. Chủ cơ sở chỉ thuê những nhóm thợ lành nghề, ghép cây đạt tỷ lệ sống cao và nếu cây nào bị rớt bo thì ghép lại mà không tính tiền. Tiền công họ trả theo ngày để thợ ghép không chạy theo số lượng, chỉ quan tâm đến chất lượng ghép”, ông Bình nói.
Không chỉ H.Chợ Lách, hiện cây giống đã lấn mạnh sang một số huyện lân cận của tỉnh Bến Tre như Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và TP.Bến Tre. Cùng với đó, những người thợ ghép cây luôn đồng hành, kèm theo là các chị em phụ nữ, người lớn tuổi tiếp các công việc như vô bọc, tìm kiếm hoặc thu mua mắt ghép... kiếm gần 1 triệu đồng mỗi ngày.
Nghề ghép cây ra đời là một bước tiến vượt bậc để nhà vườn chuẩn hóa cây giống, giúp cây trồng có chất lượng trái tốt, năng suất cao, từ đó đưa thương hiệu trái cây Cái Mơn vang danh khắp cả nước từ nhiều thập niên qua.
Theo TS Bùi Thanh Liêm, hơn 100 năm qua, nghề ghép cây giống không ngừng phát triển. Con đường Lộ Đất xưa kia sình lầy đã được nhựa hóa. Những người thợ trước phải đong từng lon gạo để nuôi sống gia đình thì nay có nhiều người trở thành tỉ phú. Chợ Lách đã trở thành thủ phủ cây giống, một thương hiệu hàng đầu cả nước. Riêng khu vực đường Lộ Đất được xem là “thánh địa” của nghề ghép cây với nhiều biệt thự to lớn. Những người thợ ghép gạo cội đồng thời là chủ cơ sở mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm ngàn cây giống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.