Cả gia đình chỉ một người sống sót vì ăn nấm độc

06/03/2018 08:53 GMT+7

Theo Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thời điểm sau Tết thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm gây chết người hàng loạt, trong đó, hầu hết họ là người trong cùng một gia đình.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, công tác tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết vào mùa xuân (tháng 3 và 4 dương lịch), năm nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận các ca ngộ độc nấm. Thương tâm nhất là các ca ngộ độc này thường là người trong cùng một gia đình. 
“Nấm thường mọc vào mùa xuân. Sau Tết mưa càng nhiều, nấm càng mọc lắm. Đây cũng là thời điểm bà con dân tộc lên rừng, thấy nấm thì hái về ăn. Vì vậy nhiều ca ngộ độc nấm đã xảy ra vào thời điểm này. Ngộ độc nấm cũng diễn ra tập thể do người dân lên rừng hái nấm theo nhóm và mang về nấu cho cả gia đình ăn”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Bác sĩ Dũng cũng cho biết, các vụ ngộ độc nấm thường gây chết người hàng loạt. Ám ảnh nhất đối với ông là trường hợp một gia đình người Mông có 9 người bị ngộ độc thì 8 người chết, duy nhất chỉ có 1 người may mắn sống sót là cháu Hoàng Văn S. (ở xã Quang Vinh, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng).
"Vào năm 2014, có 1 vụ ngộ độc nấm gồm 14 bệnh nhân, thì có tới 12 người tử vong, chưa kể các ca đến viện nhưng xin về để chết ở nhà. Các năm 2015, 2016, 2017 đều có các ca tử vong do ăn nấm độc. Các ca này đều do đến viện quá muộn. Đáng thương nhất là vụ một gia đình ở Hòa Bình có 5 người cùng ăn nấm thì chỉ cứu được 3. Bố chồng và cô con dâu đến viện thì tim đã ngừng đập, chỉ cứu được chồng, mẹ và đứa em”, bác sĩ Dũng nhớ lại.
Hai bệnh nhân may mắn sống sót trong vụ ngộ độc nấm ở Hòa Bình Ảnh Trung tâm Chống độc cung cấp
Theo bác sĩ Dũng, những năm gần đây, do rút kinh nghiệm từ vụ chết người hàng loạt năm 2014, Trung tâm có phương pháp điều trị riêng, nên cứu được nhiều người, trừ khi họ đến muộn. Đặc biệt, từ khi công tác tuyên truyền ngộ độc về nấm được quan tâm, thì số vụ ngộ độc nấm và số người mắc cũng đã giảm nhiều.
"Theo đề tài nghiên cứu của tôi tại Cao Bằng, từ năm 2003 - 2009, có tới 29 vụ ngộ độc nấm, gồm 81 người, làm chết 17 người. Từ 2009 - 2014 giảm còn 12 người bị ngộ độc, chỉ 1 người tử vong", bác sĩ Dũng cho hay.
Các bác sĩ Trung tâm Chống độc chúc mừng 1 bệnh nhân (ở giữa, ôm hoa) may mắn sống sót sau 1 vụ ngộ độc nấm Ảnh Trung tâm Chống độc cung cấp
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Đối tượng bị ngộ độc nấm thường là bà con các dân tộc nghèo, ít thông tin, nên các ca tử vong rất thương tâm. Vì vậy chúng tôi mong muốn có nhiều kênh thông tin tuyên truyền đến được với bà con, để không phải chứng kiến những vụ ngộ độc đáng tiếc do ăn nấm độc”.
Không nên ăn nấm mọc tự nhiên
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hiện có 2 loại nấm rất độc, gây tỷ lệ tử vong cao trong đó có 1 loại cực độc gây tổn thương gan. Để phân biệt 2 loại nấm độc này thì có thể nhận biết dựa vào triệu chứng lâm sàng.
Loại nấm độc trắng gây tổn thương gan, thận thì biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau ăn 6 giờ hoặc 10 - 12 giờ với các triệu chứng: đau bụng, nôn, ỉa chảy kéo dài 2- 3 ngày thì cầm. Vì vậy bà con thường chủ quan, nhưng sau 3 - 5 ngày lại xuất hiện vàng da, do gan bị tổn thương, và nếu lúc này mới đến viện thì muộn. Loại nấm này có mũ, gốc, rễ.
Loại nấm độc thứ 2 là nấm ô tán trắng phiến xanh, to như cái bát, ăn vào gây rối loạn tiêu hóa, và thường gây ra ngộ độc trước 6 giờ sau ăn. Tuy nhiên, đây là các loại nấm dại mọc ở rừng, không phải nấm trồng. Nên để cảnh giác với nấm độc thì không nên ăn các loại nấm mọc tự nhiên, chỉ nên ăn nấm trồng và rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.