Cà kê chuyện cúng tất niên

21/01/2023 08:35 GMT+7

Từ “tất niên” chỉ thời điểm hoàn tất một năm. Tất niên là lễ cúng tổ tiên ông bà vào thời điểm tiễn đưa năm cũ và chuẩn bị đón năm mới giữa đêm trừ tịch.

Xưa chỉ cúng tất niên vào đúng chiều 30 tháng chạp nếu là tháng đủ, hoặc vào chiều 29 tháng chạp nếu là tháng thiếu. Điều này đã thành truyền thống. Tất nhiên người khuất mặt cũng đã “nhập tâm” cái thường năm chiếu lệ này. Rất hiếm lễ cúng tất niên sớm vì trong suy nghĩ của con cháu, như thế sẽ đưa ông bà vào… thế bị động, phải lập cập sắp xếp hành trang về dự thì tội cho ông bà lắm!

Thay đổi theo nhịp sống hiện đại

Nay nhịp sống khác rồi. Công việc làm ăn ngày thường đã tất bật, ngày cận tết càng hối hả riết róng hơn. Lớp hậu bối đã thay đổi nếp nghĩ. Cúng tất niên sớm “cho rồi” để tập trung hoàn thành bao việc của năm cũ còn dang dở.

Làng tôi tầm mùng 10 trở đi đã thấy rải rác trước hiên nhà cỗ bàn khói hương nghi ngút. Nhà nào còn chần chừ, ráng chờ cháu con dâu rể ở xa về mới cúng tất niên cũng không thể, bởi tất cả phụ thuộc vào lịch nghỉ tết của cơ quan, đơn vị, công ty. Rồi vé tàu, vé xe, vé máy bay có mua được và mua đúng ngày về không nữa.

Như vậy, thời gian cho lễ cúng tất niên đã có sự xê dịch, không nhất nhất phải là ngày cuối năm cho đúng nghĩa “tất niên”. Cõi dương “thuần hóa” cõi âm. Nếu ngược lại có nước… tận thế. Mà có sao đâu? Ổn định như khí hậu trái đất còn biến đổi huống chi chuyện cúng tất niên. Cứ cúng trước. Lúc con cháu về đông đủ thì làm bữa cơm chiều cuối năm cũng ý nghĩa và đông vui vậy.

Mâm cúng tết niên ở vùng nông thôn Quảng Ngãi

TRẦN CAO DUYÊN

Nếu trước kia mâm cúng tất niên cần có món thịt kho, cá nướng, canh giò, chả thủ… theo “nguyên tắc” thì bây giờ người ta cũng ít câu nệ. Có ít cúng ít, có nhiều cúng nhiều. Không có vẫn cúng nhưng chỉ đèn nhang, nải chuối, đĩa bánh, bình bông. Cái chính là lòng thành. Chứ cứ sĩ diện, đi vay mượn để lễ cúng cho xôm rồi mắc nợ mắc nần thử hỏi ông bà tiên tổ có vui không?

Để ý thấy người trẻ thời nay cúng tất niên không nhờ cha chú hay người có vai vế trong dòng họ mà chính mình đứng ra cúng. Có người tự nghĩ ra “bài” cúng. Có người lên mạng tham khảo. Có người đi hỏi nhà chùa. Nhưng tựu trung là không lê thê mà ngắn gọn, có vẻ hiện đại nhưng không mất đi vẻ cổ điển.

Tôi vừa dự lễ cúng tất niên nhà chú em gần 40 tuổi. Nó khấn: “Việt Nam quốc, Quảng Ngãi tỉnh, Đức Phổ thị xã, Phổ Thạnh phường, Thạch By Tổ dân phố. Tử tôn là… Kính lạy mời tổ tiên ông bà về dự lễ mọn tất niên cùng con cháu. Cầu mong ơn trên phù hộ độ trì cho gia đình gồm… năm mới bình an”. Nó cắm nhang, vái ba vái, châm trà châm rượu rồi ngồi “tám” với tôi. Nhang cháy cỡ hai phần ba cây, nó đốt một xấp vàng mã mỏng lét.

Vàng mã siêu tí hon ‘gửi’ tổ tiên đón tết ở Hà Nội

Tôi hỏi sao không “đốt” xe hơi, nhà lầu, ti vi, điện thoại, ô sin… gởi xuống dưới cho ông bà hưởng thụ? Nó cười, “anh làm em như trọc phú. Tiền để tiêu tự nhiên đổi thành giấy, nhái vật này vật nọ “phỉnh” người cõi âm rồi đem đốt. Mà đốt nhiều thì âm khí nhiều, không nên”.

Tôi chuyển làn, chú khấn thiếu rồi, phải có câu “làm ăn phát tài” nữa chứ?. Chú em cười, anh “tư duy” đi. Cầu “bình an” là đủ. Vì trong “bình an” có sức khỏe. Sức khỏe tốt mới làm ăn hanh thông thịnh vượng. Chứ còn bệnh hoạn, đuổi ruồi không bay thì “phát” cái nỗi gì?

"Cầu sung xài lip ba ga"

Mùa tất niên này, phần đông người quê tôi ưa đơm mâm ngũ quả hơn là chuộng những nải chuối xanh đặt trên cổ bồng. Tìm hiểu thì thấy có mấy lý do: Hơn 2 trăm ngàn mới có nải chuối đẹp, mắc quá; từ “chuối” bỗng nhiên bị hiểu là… chúi, chúi đầu chúi cổ nên ít người mua; chuối để đơm bàn thờ phải là chuối xanh nên ông bà không “ăn” được: hết tết chuối chín rục đồng loạt, ăn không kịp thì thật lãng phí.

Trong khi đó, mâm ngũ quả rẻ thôi, chỉ xấp xỉ 1 trăm ngàn, màu sắc đẹp và phong phú. Thêm vào đó, tên trái cây có thể được ghép thành lời nguyện cầu năm mới, dù hơi khiên cưỡng. Chẳng hạn: Cầu sung vừa đủ xài (mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài). Còn một số câu khác, cũng hình thành từ năm loại trái cây, nhưng chủ yếu là để “troll” cho vui. Ví dụ: Cầu sung vừa đủ sữa (mãng cầu, trái sung, dừa, đu đủ, vú sữa)…

Nhắc chuyện này tự nhiên nhớ anh Lòng sửa xe đạp ở xóm tôi. Anh cúng tất niên với mâm ngũ quả bình thường. Nhưng anh âm thầm làm một mâm khác, phủ vải đỏ, để trong buồng. Cúng xong anh mời bạn tới. Ai cũng khen mâm ngũ quả trên bàn thờ tươi tắn, trưng bày đẹp. Anh nói, ừ thì đẹp, nhưng mâm này “ác liệt” hơn nhiều.

Anh tủm tỉm cười, vào buồng bưng ra mâm “ngũ quả” rất… cà chớn. Giở miếng vải đỏ, ai cũng ồ lên ngạc nhiên. Mâm “ngũ quả” này chỉ có mãng cầu, sung, xoài. Còn lại là hai thứ phụ tùng xe đạp: líp và ba ga. Anh cười to, nói tết là phải vui. Rồi anh nhìn mâm “ngũ quả”, đọc to điều ước đầu năm: “Cầu sung xài lip ba ga” (quê tôi, “xài líp ba ga” được hiểu là ăn chơi xả láng). Nhóm bạn ôm bụng cười rũ. Vợ anh từ bếp chạy lên cũng bụm miệng cười. Chị đấm lưng chồng thùm thụp: “Đồ quỷ sứ!”.

Đốt vàng mã trong lễ cúng tất niên

TRẦN CAO DUYÊN

Tất niên an toàn và trọn vẹn

Ông tôi kể hồi trước, làng có hẳn một hương ước, trong đó có “điều khoản” rất tinh tế. Đại ý trong hơi xuân khí tết con người nên giao hòa. Tiệc tất niên chỉ nên đàm đạo nhã nhặn khoan thai, không nói hay làm điều gì gây ra xích mích trong gia đình hoặc làm phương hại tới tình làng nghĩa xóm. Ai vi phạm sẽ bị điệu ra đình đánh 3 trượng (gậy).

Đánh đòn thì “hơi quá”. Bây giờ chính quyền thay gậy bằng phạt tiền. Nhưng có vẻ không ăn thua. Đọc báo vẫn thấy anh em “tẫn” nhau vì cuối năm nói chuyện đất cát. Hàng xóm “tay chân” với nhau vì cái loa kẹo kéo phát nhạc xuân khủng khiếp như... mùa hè đỏ lửa.

Cô ruột tôi có vẻ cực đoan khi càm ràm: “Tết cho mấy ông. Tất niên cũng của mấy ông”. Ngẫm ra, tôi thấy cô có lý. Dượng quan hệ rộng, đi ăn tất niên nhiều. Ông “ép” vợ tất niên làm tới 5 mâm để… trả nợ miệng. Làm cỗ, lên mâm, ăn uống, cãi cọ, hát xướng từ 11 giờ trưa tới tối mịt. Cô và các em tôi phải cong lưng dọn dẹp miết tới khuya.

Năm đó, sớm mùng một tết, dượng chải chuốt, “đóng thùng”, đút tay túi quần, nói đi xuất hành hướng nam lấy “đại lợi” rồi… đi tuốt, nửa đêm mới có người dìu về. Tôi làm thơ chọc dượng: “Một sớm đầu năm/ Dượng đút tay túi quần nói xuất hành tìm đại lợi/ Mãi giờ tý canh ba cô mới được gặp chồng”. Ổng trừng mắt, từ mặt tôi đúng… 9 tháng.

Những ngày chuẩn bị đón tết Quý Mão này, tôi nghe làng bên có cái tất niên thắm tình… đồng bệnh tương lân. Đó là tất niên nhóm “Tiểu đường” làng X. Người mắc bệnh này hay chia sẻ với nhau, “ông mấy chấm rồi?”. Họ uống bia lành (không đường), đồ mồi đạm bạc. Có mấy bác sĩ tới tham dự, chúc mừng các thành viên “hạ chấm”, động viên các anh em “giữ chấm”, trấn an, đưa ra lời khuyên cho anh em nào “lên chấm”…

Tôi nghĩ cái này cũng vui, có tác dụng tốt cho tinh thần, bệnh lý. Chỉ mong đừng có thêm nhóm “Hen suyễn”, “Dạ dày”, “Tim mạch”… Vì như vậy cũng khó mà làm cái tất niên cho an toàn và trọn vẹn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.