Ca khúc bắt 'trend': Hợp thời nhưng đừng hời hợt

26/02/2020 07:00 GMT+7

Càng ngày càng có nhiều ca khúc được sáng tác theo kiểu bắt 'trend' hay tạo 'trend' (trào lưu thịnh hành).

Nhìn lại đời sống nhạc trẻ trong những năm gần đây, liên tục xuất hiện những ca khúc theo “trend”. Có thể hiểu nôm na là những ca khúc mà tựa đề hay lời trong ca khúc đã trở thành những câu nói cửa miệng, được chia sẻ hoặc chế trên mạng xã hội của một bộ phận công chúng. Cũng có khi là những ca khúc được sáng tác theo những từ khóa thịnh hành.

Âm nhạc từ đời sống

Khi việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang được tăng cường, nhạc sĩ Khắc Hưng đã viết lại ca khúc Ghen, tạo thành phiên bản mới với tên gọi Ghen Cô Vy. MV ca khúc do cặp đôi Erik và Min kết hợp đang được đón nhận trong cộng đồng mạng. Bên cạnh ca khúc này, vi rút Corona hay “Covy” đã trở thành những từ khóa “trend” cho cả nhạc sĩ chuyên nghiệp lẫn không chuyên sáng tác trong khoảng thời gian này.
Ca sĩ Mỹ Tâm cũng không nằm ngoài cuộc chơi với ca khúc bắt “trend”. Nhạc sĩ Khắc Hưng là người rất mát tay trong việc viết ca khúc tạo “trend” cho “họa mi tóc nâu” với nhiều bản hit như Người hãy quên em đi, Anh đợi em được không... Dù thuộc giới âm nhạc underground, nhưng rapper Đen Vâu là người tạo rất nhiều “trend” từ các ca khúc của anh như Bài hát này “chill” phết (ngay khi ca khúc ra mắt, từ “chill” đã trở thành “trend” sau đó), hay Anh đếch cần gì nhiều ngoài em, Đưa nhau đi trốn… Bên cạnh đó có thể kể đến Sơn Tùng M-TP, ngay khi vừa ra mắt MV Lạc trôi, tựa ca khúc cũng nhanh chóng trở thành “trend” trong giới trẻ.

Ca khúc bắt “trend” cũng là cách thể hiện không chỉ âm nhạc mà cả cuộc sống đương đại. Những ca khúc như vậy là một phần của đời sống âm nhạc, dòng chảy âm nhạc

Nhạc sĩ Dương Trường Giang

Năm ngoái, không chỉ phủ sóng nhiều bản xếp hạng âm nhạc, bài hát Để Mị nói cho mà nghe do DTAP sáng tác, Hoàng Thùy Linh hát cũng vang lên khắp các ngõ phố. Và trong năm qua không thể không nhắc đến ca khúc Đi đu đưa đi, một sáng tác của Tiên Cookie và Phạm Thanh Hà, ca sĩ Bích Phương hát. Trên khắp mạng xã hội và ngay cả trong đời sống, câu nói “đi đu đưa đi”, hay “lúc đi hết mình lúc về hết buồn” trở thành trào lưu hay được nhiều người chế thành những phiên bản khác nhau.
“Âm nhạc phản ánh rất rõ chúng ta đang ở thời đại nào, chúng ta sống như thế nào và nghe những gì. Vì thế, ca khúc bắt “trend” cũng là cách thể hiện không chỉ âm nhạc mà cả cuộc sống đương đại. Những ca khúc như vậy là một phần của đời sống âm nhạc, dòng chảy âm nhạc”, nhạc sĩ Dương Trường Giang nhận xét.
Ca khúc bắt 'trend': Hợp thời nhưng đừng hời hợt1

Đi đu đưa đi của Bích Phương là những ca khúc tạo nên trào lưu được quan tâm trong thời gian qua

Ảnh: T.L

Thời thượng vẫn cần chất lượng

Ra mắt vào tháng 9 năm ngoái, đến giờ MV Đi đu đưa đi của Bích Phương đã có gần 64 triệu lượt xem chỉ tính riêng trên YouTube. Nhìn về hiện tượng của Đi đu đưa đi, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng ca khúc này “vừa hot vừa có chất lượng”. Theo anh, đây cũng là điều không dễ thấy hiện nay. “Câu “đi đu đưa đi” là câu dễ khiến mọi người nhắc đi nhắc lại. Phương (ca sĩ Bích Phương - PV) nói với tôi câu đó thực ra không phải do ê kíp sáng tạo chủ động đưa vào, mà là câu nói trong đời sống thường ngày của Phương. Ê kíp đưa câu nói vào bài hát thành ra rất thuyết phục như việc họ đã đưa những yếu tố đời thật vào ca khúc”, anh nói. Nhạc sĩ phân tích rằng tạo nên thành công của ca khúc này còn ở yếu tố âm nhạc thời thượng. “Âm nhạc của ca khúc được tạo nên dựa trên nền tảng của những thứ âm nhạc rất khó thực hiện, vốn là những thứ âm nhạc kinh điển như disco, funk, soul… Để làm nên thứ âm nhạc thời thượng đấy rất khó về mặt chuyên môn. Đó không phải thể loại nhạc dễ dãi ai cũng làm được”, nhạc sĩ nhìn nhận.
Nhạc sĩ Huy Tuấn nhắc đến thực tế không phải ca khúc nào “hot” cũng đi liền với chất lượng. Nhạc sĩ Đỗ Bảo cũng có chung quan điểm. Anh từng chia sẻ: “Có nhiều bài hit, cá nhân tôi không thấy có giá trị tốt về mặt sáng tạo, nghệ thuật”. Anh cho biết thêm: “Không ít những bài hit được làm nên từ beat, bộ âm thanh mua từ trang web của nước ngoài với giá 12 - 15 hay 20 USD. Họ làm sản phẩm âm nhạc mà giống như chơi đồ chơi xếp hình, mua bộ âm thanh về lắp ráp vào là xong”.
Ở không ít ca khúc, công thức dễ thấy là tìm một câu để tạo “trend” rồi dựa vào làm sản phẩm theo cách nhặt, ghép như chơi lego. Nhạc sĩ Dương Trường Giang cho rằng kiểu sáng tác theo kiểu cóp nhặt với những câu hát lặp đi lặp lại để tạo “trend” là cách dùng thủ thuật nhạc khí để “dụ” người nghe hơn là sáng tác ca khúc. Nhiều ca khúc theo “trend” không chỉ có ít giá trị về mặt thông điệp, mà ngôn từ còn nhạt nhẽo, thậm chí phản cảm. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng đánh động: “Không ít ca khúc hiện nay rất có vấn đề về ca từ, cho đến chất lượng thẩm mỹ, nghệ thuật”.
Trên thực tế, tuổi thọ nhiều ca khúc theo “trend” một cách dễ dãi và nhảm nhí không được lâu. “Tất nhiên rồi, khi nào “trend” hết thì mọi thứ cũng kết thúc thôi”, nhạc sĩ Dương Trường Giang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.