Việc sử dụng tiếng lóng, cách nói ngược để đặt tên cho ca khúc Như lời đồn, Nắng cực, Thu dẩm… đã tạo nên một làn sóng tranh cãi lớn trong giới sáng tác âm nhạc.
Mới đây, nữ ca sĩ Bảo Anh và Khắc Hưng bắt tay cùng nhau trong dự án âm nhạc mới mang tên Như lời đồn. Ngay lập tức, ca khúc nhận được sự chú ý và tạo nên một làn sóng tranh cãi trong giới nhạc sĩ. Đỉnh điểm của sự việc này khi nhạc sĩ Dương Cầm lên tiếng trước báo giới cho rằng cách đặt tiêu đề cho sáng tác mới của Khắc Hưng không văn minh và gây ảnh hưởng đến văn hóa tiếp nhận của người trẻ. Nam nhạc sĩ còn khẳng định sẽ cấm phát hành ca khúc này nếu như có quyền.
Đồng tình với quan điểm của Dương Cầm, Lê Minh Sơn nhấn mạnh cách đặt tiêu đề của Như lời đồn là cách nói lóng trơ trẽn, gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. “Đó là sự thiếu văn hóa, vô văn hóa khủng khiếp”, anh nói. Trên kênh YouTube, bài hát nhận dislike đến 14.000 lượt. Nhiều khán giả cũng bày tỏ thái độ bức xúc trước cách đặt nhan đề của tác giả Ghen.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một ca khúc gây tranh cãi vì cách đặt tiêu đề. Trước đó, chính Khắc Hưng cũng từng nhận nhiều chỉ trích khi Như cái lò được ra mắt. Ca khúc bị cho là thất bại ngay từ “cái tên”, khiến tác giả lẫn ca sĩ “mất nhiều hơn được”. Đặc biệt, chính cách nam nhạc sĩ viết tắt tên bài hát thành #NCL khiến người hâm mộ thêm phần hoài nghi về ngụ ý mà anh muốn truyền tải qua cách đặt tên này.
|
Nhiều nhạc sĩ khác cũng không ngần ngại dùng những từ ngữ nói lóng, đọc ngược nhạy cảm để đặt tên cho đứa con tinh thần của mình. Nắng cực (sáng tác: Phạm Toàn Thắng), Xếp hình (sáng tác: Tăng Nhật Tuệ), Thu dẩm (sáng tác: LK)… cũng từng gây sốt cộng đồng mạng trong suốt thời gian dài. Đó là chưa kể đến việc nội dung bài hát, nội dung MV sử dụng nhiều ca từ dung tục, mang yếu tố gợi dục và không phù hợp với văn hóa tiếp nhận của người Việt.
Việc hàng loạt ca khúc phản cảm xuất hiện trên các bảng xếp hạng âm nhạc Việt khiến khán giả hoài nghi về chất lượng bài hát và đặt ra câu hỏi lớn: Phải chăng người nhạc sĩ đang muốn mượn chiêu trò để sáng tác của họ được chú ý? Bởi khi mà làn sóng văn hóa phương Tây đang dần phổ biến ở Việt Nam thì những ca từ nhạy cảm, dung tục trở thành một trong những yếu tố tạo nên sự tò mò, thu hút người xem. Khán giả nhấp chuột vào bài hát vì muốn lắng nghe xem đằng sau một tựa đề đầy ẩn ý, người nhạc sĩ sẽ làm gì để “đứa con tinh thần” của mình có được chỗ đứng trên thị trường âm nhạc. Chính điều đó đã góp phần giúp các ca khúc như Như lời đồn, Như cái lò, Nắng cực, Xếp hình… nhanh chóng có được lượt nghe khủng và nghiễm nhiên cái tên của nhạc sĩ, ca sĩ bỗng chốc được nhắc đến nhiều hơn. Một số khán giả còn đặt hoài nghi rằng việc viết ra những ca từ nhạy cảm đang trở thành một "công thức" để người trong cuộc được nổi tiếng.
|
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng văn hóa Việt Nam không giống như văn hóa đường phố của Mỹ và người sáng tác cần phải có những giới hạn nhất định trong việc sáng tạo. Nhiều người biện minh việc dùng tiếng lóng, đọc ngược là sự phá cách, sáng tạo, nhưng sẽ chẳng ai chấp nhận bất kỳ sự sáng tạo nào làm ảnh hưởng nặng nề đến đạo đức của người Việt Nam. “Một người làm không sao, hai người làm không sao nhưng ba người làm là có vấn đề và thử hỏi con người Việt Nam sẽ trở nên như thế nào nếu nó trở thành một trào lưu?”, huấn luyện viên Sing my song chia sẻ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc: “Tôi đánh giá rất thấp những người mang trên vai tấm áo nghệ sĩ mà cứ muốn thể hiện cái ngông, cái thô, cái tục trong tác phẩm của mình. Là nghệ sĩ đúng nghĩa, nên định hướng khán giả chứ đừng hùa theo khán giả, vì nói thẳng, đại đa phần khán giả trẻ dân trí còn thấp...”.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn đặt câu hỏi lớn về trách nhiệm của những người làm trong ngành văn hóa, thông tin. Anh cho rằng một trong những lý do khiến các bài hát dung tục về nhan đề lẫn ca từ xuất hiện nhan nhản trên thị trường âm nhạc một phần là do khâu kiểm duyệt. “Xin hỏi những người quản lý văn hóa đã làm việc kiểu gì?”, nhạc sĩ Lê Minh Sơn chất vấn.
|
Bình luận (0)