Cả lớp học sinh giỏi, thật không?: Điểm lớp 12 cao bất thường

31/05/2018 08:27 GMT+7

Có mức 'vênh' tương đối lớn giữa điểm trung bình lớp 12 so với điểm thi THPT quốc gia. Thực tế này đã chứng minh phần nào những lo ngại về việc cho điểm dễ dãi bậc phổ thông là có cơ sở.

Điểm giỏi nhiều nhưng thi THPT thì dưới trung bình
Năm 2017, Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện thống kê về độ lệch điểm của điểm thi THPT quốc gia so với điểm trung bình lớp 12 của nhiều trường THPT trên địa bàn. Danh sách này gồm hơn 240 đơn vị có đào tạo bậc học THPT (tính cả trung tâm giáo dục thường xuyên và trường ĐH, CĐ). Tính trung bình toàn TP, độ lệch điểm của các trường phổ thông là 1,99 và trung tâm giáo dục thường xuyên là 1,9. Trong số này có tới 97 trường độ lệch điểm từ 2 trở lên, đặc biệt là 8 trường độ lệch từ 3 điểm trở lên. Dẫn đầu danh sách này là Trường THPT Q.T với mức lệch lên tới 3,83 điểm. Điểm trung bình học sinh (HS) lớp 12 trường này đạt được là 8,14, trong khi điểm bình quân các môn thi THPT chỉ 4,3 điểm. Trong đó, điểm bình quân trong kỳ thi này một số môn ở mức khá thấp: toán 3,89; lý 3,15; hóa 3,01; sinh 3,5…

Cũng trong năm này, xếp thứ 2 là Trường P.B.C với điểm trung bình HS lớp 12 là 7,24 nhưng điểm bình quân trong kỳ thi chỉ 3,63. Trong đó, điểm bình quân một số môn thi rất thấp như: toán 2,97; hóa 2,88; sử 2,34… Nhiều trường khác điểm lớp 12 đều đạt trên 8 nhưng bình quân điểm của kỳ thi chỉ dưới mức trung bình. Phần nhiều trong số các trường có xu hướng này đều là ngoài công lập.
Trường ngoài công lập điểm cao hơn trường công ?
Hiện tượng điểm lớp 12 cao bất thường cũng được đại diện các trường ĐH có sử dụng phương thức xét tuyển học bạ thừa nhận.
Theo cán bộ tuyển sinh một trường ĐH ngoài công lập có sử dụng phương thức xét tuyển học bạ, điểm lớp 12 của phần đông HS đều tăng mạnh so với 2 năm trước đó. Kết quả xét tuyển bằng phương thức học bạ còn cho thấy HS trường ngoài công lập điểm luôn cao hơn trường công lập. Cụ thể ở trường công điểm trung bình chỉ ở mức 6 - 7 điểm thì hầu hết trường ngoài công lập đều ở mức 7 - 8 điểm.
Cán bộ này cho biết: “Điểm lớp 12 có vai trò rất quan trọng với HS, không chỉ chiếm 50% trọng số xét tốt nghiệp mà còn là “tấm vé” để thẳng tiến vào ĐH mà không cần thi. Điều này không chỉ có ý nghĩa với HS mà còn là “uy tín” của trường học. Đó là lý do mà lãnh đạo một trường THPT tư thục cho biết phải tạo cơ hội nhiều nhất để HS có điểm số tốt trong năm học này”.
Nhiều trường ĐH công cũng sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển HS các trường chuyên, năng khiếu và trường dẫn đầu về kết quả thi THPT. Tuy nhiên, việc xét tuyển từ kết quả học bạ cũng chưa được các trường này đánh giá cao. Phát biểu trong hội nghị tổng kết tuyển sinh của ĐH Quốc gia TP.HCM, đại diện một đơn vị thành viên cho rằng kết quả sơ bộ sau một học kỳ của thí sinh được ưu tiên xét tuyển thẳng từ các trường chuyên và năng khiếu không nổi bật hơn nhiều so với những thí sinh trúng tuyển vào các trường bằng kết quả thi THPT quốc gia với mức điểm trung bình 7 điểm/môn.
Nhìn vào lịch sử tuyển sinh cũng có thể thấy thêm bối cảnh của việc “cho” điểm ở bậc học phổ thông để dễ dàng vào ĐH. Năm 1998, khi Bộ GD-ĐT thí điểm tuyển thẳng vào ĐH, CĐ dựa trên kết quả tốt nghiệp ở các địa phương: Yên Bái, Hòa Bình, Ninh Thuận, An Giang và các trường phổ thông vùng cao Việt Bắc thì có hiện tượng nhiều HS được tăng điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp lên tới hơn 2 lần.
Quay lại với tình trạng “lệch” điểm hiện nay, lãnh đạo một trường ĐH cho rằng điểm trung bình học bạ của nhiều HS cho ở mức cao hơn nhiều so năng lực thực tế. (còn tiếp)
40 - 60% thí sinh dưới điểm trung bình thi THPT
Theo dõi của phóng viên Thanh Niên, từ khi Bộ GD-ĐT áp dụng cách thức xét tốt nghiệp THPT với công thức 50% điểm học bạ và 50% điểm thi đến nay thì tỷ lệ HS khá giỏi của lớp 12 ở các tỉnh thường áp đảo so với các khối lớp dưới ở cấp THPT. Ở cấp THPT, theo thống kê năm 2017 của Bộ GD-ĐT, HS khá giỏi đạt 65,32% nhưng điểm thi THPT lại không phản ánh đúng điều này, mặc dù đề thi THPT quốc gia hằng năm đều có tới 60% nội dung kiến thức ở mức cơ bản, HS chỉ cần có học lực trung bình có thể làm tốt 60% đề thi. Tuy nhiên, thống kê kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD-ĐT cho biết điểm trung bình dưới 5 của hầu hết các bài thi, môn thi đều chiếm tỷ lệ khoảng 40 - 60%. Số lượng thí sinh đạt điểm 0 và điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1 (điểm liệt) cũng tương đối lớn và có hầu hết ở các bài thi, môn thi.
Tuệ Nguyễn
“Lỗi” tại xét tuyển
Hơn chục năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương tuyển sinh vào lớp 10 theo hình thức xét tuyển học bạ 4 năm ở THCS kết hợp với thi tuyển 2 môn văn, toán. Mục tiêu của cách thức này là nhằm thúc đẩy các trường giáo dục toàn diện tất cả các môn trong quá trình dạy học chứ không chỉ chăm chú vào các môn thi.
Để được cộng 20 điểm cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, HS phải đạt 4 năm liền là HS giỏi và hạnh kiểm tốt. Chỉ cần hạ 1 bậc là bị trừ 1 điểm, trong khi đó điểm thi thì “giành giật” tới 0,25 điểm. Chính vì lý do đó, nhiều nhà trường và gia đình có tâm lý cố gắng để con em mình có một hồ sơ xét tuyển thật đẹp, bất chấp điểm đó có thực chất hay không.
Thống kê của Bộ GĐ-ĐT ở 5 TP là: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Đẵng, TP.HCM và Cần Thơ, số lượng HS giỏi ở toàn cấp THCS lên tới 300.000 - 400.000, chiếm tỷ lệ hơn 40%. Nhiều năm Hà Nội, Hải Phòng đều có gần 50% HS có học lực giỏi trong toàn cấp, hơn 30% HS tiên tiến và số HS trung bình chỉ chiếm 10 - 20%. Chỉ cần nhìn vào báo cáo tổng kết năm học của một số quận, huyện ở Hà Nội cũng có thể thấy rất rõ điều này. Ví dụ, báo cáo tổng kết năm học 2017 - 2018 của Q.Cầu Giấy cho biết, ở cấp THCS có 66,3% HS xếp loại học lực giỏi; 25,4% HS học lực khá; 99,8% HS xếp loại hạnh kiểm khá và tốt; 99,7% HS được công nhận tốt nghiệp THCS (trong đó xếp loại giỏi đạt 71,5%)… Tỷ lệ này ở các quận nội thành khác của Hà Nội tương đương nhau, những huyện ngoại thành được xem là có chất lượng và điều kiện giáo dục thấp hơn, tỷ lệ HS giỏi cũng khoảng 40 - 50%.
Tuệ Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.