Đây là bệnh nhân (BN) đậu mùa khỉ thứ 2 đã được phát hiện tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Cả 2 BN đều trở về từ Dubai. Trường hợp mắc đậu mùa khỉ thứ 2 này là một phụ nữ 38 tuổi, thường trú tại tỉnh Tuyên Quang; đi du lịch tại Dubai trong khoảng thời gian từ ngày 29.9 - 18.10.
TP.HCM phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ thứ hai, cũng về từ Dubai |
Trước đó, từ ngày 11.10, nữ BN trên bắt đầu có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ như: sốt cao, kèm mệt mỏi, buồn nôn và xuất hiện các mụn mủ rải rác trên cơ thể.
Đặc biệt, BN nhiễm đậu mùa khỉ thứ 2 này và BN mắc đậu mùa khỉ đầu tiên (nay đã khỏi bệnh - PV) đã có thời gian ở cùng nhà và sinh hoạt chung ở Dubai. Khi biết người bạn có các triệu chứng tương tự, BN thứ nhất đã thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) biết để hỗ trợ cách ly chẩn đoán và điều trị khi BN thứ 2 trở về VN.
Kiểm dịch tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) |
Tuấn Dũng |
Sau khi nhận được thông tin về hành khách trên chuyến bay nhập cảnh từ Dubai có yếu tố dịch tễ và triệu chứng nghi mắc đậu mùa khỉ, lực lượng kiểm dịch viên y tế (thuộc HCDC) tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã phối hợp với đội y tế khẩn nguy sân bay tiếp cận ngay BN khi tàu bay vừa hạ cánh và đưa người này vào khu vực riêng để thực hiện khám sàng lọc và khai thác các yếu tố dịch tễ.
Sau khi xác định đủ yếu tố nghi mắc đậu mùa khỉ, HCDC đã phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 đưa BN đến Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới để cách ly, xét nghiệm và điều trị; đồng thời, thực hiện khử trùng tàu bay theo quy định.
Theo thông tin từ BV Bệnh nhiệt đới, BN nhập viện vào ngày thứ 8 của bệnh với tình trạng: hết sốt, nổi mụn nước ở tay, bàn chân, bụng, lưng và cơ quan sinh dục. Các kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định BN mắc đậu mùa khỉ. Hiện BN tỉnh, sinh hiệu ổn, mụn nước đục rải rác toàn thân.
Sở Y tế TP.HCM đánh giá, nhờ có sự chủ động ứng phó của ngành y tế và ý thức tốt của BN nên trường hợp đậu mùa khỉ thứ 2 này đã được cách ly và xử lý phòng chống lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, tuyệt đối không để lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, HCDC tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần để hướng dẫn và kịp thời xử lý.
Liên quan đến BN mắc bệnh đậu mùa khỉ thứ 2, chiều 20.10, tại buổi họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế TP.HCM, PV đặt câu hỏi: Tại sao BN ở Tuyên Quang nhưng lại về TP.HCM điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới? Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc HCDC, cho hay ban đầu BN dự định về nhập cảnh qua sân bay Nội Bài (Hà Nội). Nhưng nữ BN đầu tiên đã giới thiệu BN thứ 2 nhập cảnh tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để được chăm sóc, điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới, vì BN đã từng được điều trị và chăm sóc tốt tại BV này.
Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y dược TP.HCM, cho rằng đây là ca đậu mùa khỉ thứ 2 ngoại nhập. Mặc dù vẫn phải cảnh giác, quan tâm nhưng không có gì phải lo lắng, hoang mang. Trong trường hợp này, là ca ngoại nhập, nguồn lây chính từ bên ngoài vào và được kiểm soát. Ngoài ra, ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên về VN nhưng không lây lan dù có tiếp xúc một số người.
VN xuất hiện bệnh nhân nhiễm cúm A (H5) lây từ gia cầm
Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 được Bộ Y tế tổ chức ngày 20.10, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết ngày 17.10, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Viện) có báo cáo kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A (H5) từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nữ 5 tuổi (ở Phú Thọ). Đây là ca bệnh cúm A (H5) trên người mới nhất tại VN kể từ tháng 2.2014. Ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện đã cử đội phòng chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống để phối hợp các cơ quan điều tra dịch tễ. Đội đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A (H5). Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Việc phát hiện kịp thời, khoanh vùng, kiểm soát ngay đã giúp cho ca bệnh cúm A (H5) mới nhất này không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, vi rút cúm gia cầm - cúm A (H5) - có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người do tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc bất kỳ bộ phận nào của gia cầm bị bệnh (bao gồm cả phân và lông).
Liên Châu - Hà An
Chú trọng giám sát dịch bệnh tại sân bay Nội Bài
Một chuyên gia của Bộ Y tế đánh giá sau 2 ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ghi nhận tại TP.HCM, việc xuất hiện thêm ca bệnh là hiện hữu do mở rộng việc đi lại với các nước.
Trước thực tế dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát liên tục trên thế giới, để chủ động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh đậu mùa khỉ, không để dịch chồng dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành, đề nghị chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát và phòng chống, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người; phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế lưu ý các địa phương, khi ghi nhận trường hợp bệnh cần khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; không để dịch lây lan rộng; tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế và nghiêm túc thông tin, báo cáo ca bệnh theo quy định.
Tại Hà Nội, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đánh giá có nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập và chủ động kiểm soát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ từ rất sớm. Trong đó, chú trọng giám sát dịch bệnh tại sân bay Nội Bài thông qua việc đo thân nhiệt, giám sát sức khỏe của hành khách nhập cảnh, tuyên truyền thông tin dịch bệnh để người nhập cảnh chủ động khai báo khi có dấu hiệu bệnh, xây dựng phương án xử lý khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Liên Châu
Bình luận (0)