Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây

27/08/2020 19:48 GMT+7

Ngày 27.8, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết Chủ tịch UBND tỉnh vừa có quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây trên địa bàn H.U Minh và H.Trần Văn Thời.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở NN-PTNT phối hợp UBND H.U Minh và H.Trần Văn Thời khoanh vùng khu vực đê biển Tây bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở nguy hiểm để thiết lập hành lang an toàn.
Đồng thời, lắp biển báo cho khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở, khẩn trương xây dựng các phương án bảo vệ vị trí đê trọng điểm, xung yếu trình UBND tỉnh phê duyệt.
Tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở đê biển Tây theo tình huống khẩn cấp. Song song đó, tổ chức triển khai thực hiện công trình theo tình huống khẩn cấp.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo H.U Minh, H. Trần Văn Thời có trách nhiệm vận động, sơ tán người và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; cấm mọi tác động vào đất và rừng khu vực này, không để tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn…
Qua khảo sát trên tuyến đê biển Tây ghi nhận có 6 đoạn sạt lở rất nghiêm trọng với tổng chiều dài gần 5.000 m. Tại các vị trí bị sạt lở, có nơi không còn đai rừng phòng hộ, có nơi đai rừng còn rất mỏng và dù phía ngoài có hệ thống kè hộ đê nhưng sóng biển vẫn gây tác động rất lớn lên mái đê, nguy cơ vỡ đê rất cao, nhất là khi thời tiết xấu, cực đoan xảy ra kết hợp với triều cường dâng cao.
Nếu xảy ra vỡ đê trong mùa mưa bão sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân phía trong đê, đặc biệt là hệ sinh thái vùng ngọt; ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở các cơ quan nhà nước, hệ thống lưới điện, trường học, trạm y tế... thuộc địa bàn các xã ven biển mà đê biển đi qua.
Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, thông tin: "Nếu vỡ đê biển Tây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 26.100 hộ dân sinh sống ven biển và khoảng 128.900 ha đất sản xuất nông nghiệp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.