Liên quan đến việc Cà Mau bị "đòi” 40 tỉ đồng tiền hỗ trợ xử lý rác thải, trao đổi với PV Thanh Niên ngày 6.1, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: "Tỉnh đang tính đến phương án cho tạm ứng nhưng phải xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy rồi mới quyết. Còn tỉ lệ chôn lấp rác sau xử lý, tỉnh kiểm tra 3 lần đều dưới 10% . Nhưng chu kỳ kiểm tra đó chưa đảm bảo nên lãnh đạo tỉnh chỉ đạo phải kiểm tra 2 kỳ liên tục (60 ngày). Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp với nhà máy để xây dựng quy trình kiểm tra. Khi đó, xem kết quả như thế nào mới quyết chi hỗ trợ tiền xử lý rác".
Ông Thánh cũng thông tin thêm: "Hiện chưa xin ý kiến thường trực vì còn đang chờ Sở Xây dựng làm việc với nhà máy rác. Xem cách 2 bên đồng thuận nhau như thế nào, thì UBND tỉnh mới trình xin ý kiến được Thường trực Tỉnh ủy được. Sở Xây dựng sẽ làm việc với nhà máy rác về nội dung để chuẩn bị tiến hành xác định tỷ lệ rác thải sau chôn lấp (cách làm, kế hoạch làm); bàn thống nhất cho ứng trước phần tiền. Hai bên phải bàn cách đồng thuận nhau mới được".
Trước đó, chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau là Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý (Công ty Công Lý) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Cà Mau đề nghị chi trả hơn 40 tỉ đồng tiền hỗ trợ xử lý rác 19 tháng qua (từ tháng 5.2019 - 11.2020) mà tỉnh chưa thanh toán.
Vì sao Sở Xây dựng Cà Mau nói "chưa đủ cơ sở để thanh toán?"
Lý giải việc chưa thanh toán tiền xử lý rác thải cho Công ty Công Lý, ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, giải thích: "Đến thời điểm này, chưa đủ cơ sở để thanh toán. Bởi chúng tôi có đủ cơ sở chứng minh nhà máy hoạt động không đảm bảo theo công nghệ được phê duyệt".
Theo ông Hùng, 2 chuyện rõ nhất là tiền điện hàng tháng nhà máy thanh toán cho ngành điện và lượng phân compost nhà máy thu được.
Ông Hùng thông tin thêm: "UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng xác định tỷ lệ rác thải phải sau xử lý của Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau. Nhưng tổ công tác khi vào làm việc, chủ đầu tư không hợp tác. Sau đó, chúng tôi đề xuất với UBND tỉnh, Viện Quản lý đầu tư - Xây dựng (Trường đại học Xây dựng) vào thực hiện. Họ vào khảo sát và lập dự toán, nhưng dự toán chi phí cao quá nên chúng tôi phải báo cáo UBND tỉnh".
Một cán bộ Sở Xây dựng Cà Mau cho biết: "Theo công nghệ của nhà máy, xử lý 1 tấn rác sẽ được 600 kg phân compost. Vậy lượng phân này đâu? Ngoài ra, chúng tôi có cả hóa đơn tiền điện. Thời điểm có đoàn kiểm tra, nhà máy hoạt động 14 ngày liên tục, tiền điện là 168 triệu đồng. Nhưng các tháng khác không có đoàn kiểm tra thì khoảng 7 - 8 triệu tiền điện, vậy liệu nhà máy có hoạt động đúng phương án được duyệt ?”.
Trước đó, liên quan đến tiền hỗ trợ tiền xử lý rác cho Công ty Công Lý, UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan làm việc với nhà đầu tư để thống nhất đảm bảo thực hiện đúng thỏa thuận trước đây; hoặc thương thảo ký kết hợp đồng mới trên cơ sở hiện trạng công nghệ của nhà máy và thỏa thuận với nhà đầu tư về việc tạm ứng trước một phần kinh phí hỗ trợ xử lý rác.
Khi có kết quả làm báo cáo để UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy giải quyết hỗ trợ trước một phần chi phí hỗ trợ xử lý rác cho chủ đầu tư (định mức bằng với định mức xử lý quy trình hợp vệ sinh là 96.000 đông/tấn rác như đã thanh toán cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau) và chỉ đạo thực hiện các bước công việc tiếp theo.
UBND tỉnh Cà Mau cũng giao Sở Xây dựng làm đầu mối có trách nhiệm rà soát, đánh giá lại quá trình hoạt động trong 8 năm qua, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện ý kiến kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Quyết định số 825/QĐ-UBND ngày 15.5.2020 về việc thành lập Tổ công tác xác định tỷ lệ rác thải phải chôn lấp sau xử lý của Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau.
Như Thanh Niên đã thông tin, từ tháng 5.2012 - 4.2019, Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau được tỉnh Cà Mau hỗ trợ tiền (từ nguồn ngân sách) xử lý rác thải trên 107,6 tỉ đồng.
Bất ngờ vào tháng 8.2019, Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam ông Tô Công Lý, 36 tuổi, Phó tổng giám đốc Công ty Công Lý, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đến tháng 3.2020, Bộ Công an khởi tố (cho tại ngoại hầu tra) đối với ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý, cũng để điều tra về hành vi trên.
|
Bình luận (0)