Ngày 15.5, tin từ Sở NN-PTNT Cà Mau, trong số 254 km bờ biển từ Đông sang Tây của tỉnh này, hiện có 189 km trong tình trạng sạt lở.
Qua quan trắc sạt lở ở bờ biển Tây của cơ quan chức năng, bình quân sạt lở từ 20 - 25 m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm; ở bờ biển Đông bình quân sạt lở từ 45 - 50 m/năm.
Để khắc phục và hạn chế tình trạng sạt lở, tỉnh Cà Mau đã triển khai đầu tư xây dựng đê biển được hơn 51 km, với tổng mức đầu tư khoảng 486 tỉ đồng. Tuy nhiên, tuyến đê biển Đông chưa được đầu tư. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai đầu tư kè chống sạt lở. Cụ thể, đối với bờ biển Tây, đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 41,546 km kè, đang triển khai các bước đầu tư xây dựng 26 km, so với nhu cầu thực tế vẫn còn nhiều hạn chế.
Để đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, Cà Mau kiến nghị Trung ương tiếp tục đầu tư hệ thống kè, đê biển để bảo vệ tính mạng, tài sản, sản xuất của người dân và khôi phục rừng phòng hộ ven biển. Xem xét việc nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau từ đê cấp 4 lên đê cấp 3 để phù hợp thực tế địa phương.
Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, kiến nghị trong giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương xem xét hỗ trợ Cà Mau đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp đê biển - nơi cấp bách nhất hiện nay là đoạn kênh Năm Rạch Chèo đến bờ Nam Sông Đốc, dài khoảng 23 km, nhu cầu vốn khoảng 700 tỉ đồng.
Cũng theo ông Nam, dọc đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đoạn từ đê Kênh Năm Rạch Chèo (H.Phú Tân) đến bờ Nam Sông Đốc (H.Trần Văn Thời) là thấp nhất, do tuyến đê này được xây từ năm 1997 đến nay chưa được nâng cấp. Hiện nơi cao còn khoảng 1,6 m, nơi thấp còn khoảng 1 m. Vì vậy, khi triều cường dâng cao thì nước thường tràn qua đê, khiến cuộc sống hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bình luận (0)