Ngày 30.12, ông Kiều Trung Tính, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, xác nhận đoàn công tác của Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam có đến tỉnh Cà Mau để kiểm tra thực địa tình hình sử dụng khu vực biển các dự án (DA) điện gió trên địa bàn tỉnh này.
Theo đó, đoàn công tác có buổi làm việc với Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý (Công ty Công Lý), chủ đầu tư DA điện gió Khai Long.
Khu vực biển Bộ TN-MT giao cho Công ty Công Lý |
Gia Bách |
Nhiều bất cập trong bàn giao khu vực biển tại dự án điện gió Khai Long
Dự án Nhà máy điện gió Khai Long được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào đầu năm 2016, được xây dựng trên đất liền và thềm lục địa hơn 2.165 ha với công suất 100 MW. Mặc dù đã có quyết định giao khu vực biển của Bộ TN-MT từ năm 2016, nhưng đến nay DA vẫn chưa thể triển khai thi công.
Ông Nguyễn Bá Đam, Phó giám đốc Ban Quản lý DA điện gió Khai Long, nói: "Chúng tôi không thể triển khai thi công vì DA chưa được bàn giao thực địa. Trong quyết định bàn giao có nêu trước khi tiến hành sử dụng khu vực biển phải báo cáo Bộ TN-MT kiểm tra thực địa tại khu vực biển mới được sử dụng. Đơn vị đã gửi rất nhiều văn bản đến Bộ TN-MT nhưng đến nay việc kiểm tra, giao mốc thực địa vẫn chưa được thực hiện. Khi tiến hành đóng cọc thử, phát hiện có rất nhiều hàng đáy của người dân trên khu vực này".
Quyết định giao khu vực biển cho Công ty Công Lý có điều kiện khiến công ty không thể sử dụng khu vực biển đã được giao trên quyết định. Cụ thể, Quyết định 2115/QĐ-BTNMT ngày 14.9.2016 của Bộ TN-MT nêu: “Trước khi tiến hành sử dụng khu vực biển phải báo cáo Bộ TN-MT kiểm tra thực địa tại khu vực biển được sử dụng”.
Ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, tham gia buổi làm việc nêu trên với tư cách giám sát vấn đề doanh nghiệp, bức xúc: "Điều đó được hiểu nếu chưa được Bộ TN-MT kiểm tra thực địa thì Công ty Công Lý chưa được phép sử dụng khu vực biển. Nhà nước chưa cho sử dụng khu vực biển mà vẫn buộc doanh nghiệp nộp hàng chục tỉ đồng tiền sử dụng khu vực biển là thiệt thòi cho doanh nghiệp".
"Tôi cho rằng Bộ TN-MT cần xem xét, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong việc sử dụng khu vực biển đối với các lĩnh vực khuyến khích đầu tư để kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn và tạo cơ chế thu hút đầu tư ở những vùng kinh tế khó khăn như ở tỉnh Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung", ông Hận nói thêm.
Nếu không báo cáo kiểm tra thực địa mà sử dụng thì vi phạm
Tại buổi làm việc, ông Vũ Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Trưởng đoàn công tác, cho biết nội dung làm việc của đoàn chỉ bao gồm “kiểm tra thực địa tình hình sử dụng khu vực biển đã được giao để sử dụng đầu tư các dự án…”. Tuy nhiên, đoàn công tác cũng ghi nhận ý kiến nguyện vọng, thắc mắc của Công ty Công Lý và lý giải một phần những thắc mắc ấy.
Cũng tại buổi làm việc, đại biểu Nguyễn Quốc Hận nói: “Sau khi được Bộ trưởng Bộ TN-MT trả lời, tôi thấy vấn đề nằm ở chỗ câu từ chưa rõ ràng trong quyết định giao khu vực biển. Khi đọc khoản 4, Điều 2, Quyết định giao khu vực biển (số 2115) ai cũng hiểu là Công ty Công Lý phải báo cáo để Bộ TN-MT kiểm tra thực địa trước khi sử dụng khu vực biển được giao trên quyết định này. Cũng từ việc hiểu như vậy nên đến nay Công ty Công Lý chưa dám sử dụng”.
Đại biểu Hận cũng thông tin với PV Thanh Niên, Bộ TN-MT trả lời ông rằng nếu không báo cáo Bộ kiểm tra thực địa mà sử dụng thì Công ty Công Lý vi phạm.
Theo văn bản số 7689, ngày 16.12 Bộ TN-MT Trần Hồng Hà trả lời với đại biểu Nguyễn Quốc Hận, thì việc “báo cáo Bộ kiểm tra thực địa” là trách nhiệm của Công ty Công Lý trước khi sử dụng khu vực biển được giao. Còn việc kiểm tra thực địa là một việc khác của Bộ TN-MT.
"Điều này, có thể hiểu Công ty Công Lý trước khi sử dụng khu vực biển phải làm báo cáo gửi Bộ. Còn việc kiểm tra thực địa là một việc khác, chứ không phải gửi báo cáo, chờ bộ kiểm tra thực địa và giao mốc", ông Hận lý giải.
Bộ trưởng cũng nêu phía Công ty Công Lý có nhiều lần gửi yêu cầu Bộ kiểm tra thực địa giao mốc. Nhưng Bộ chưa làm được vì hai lý do, trước là vì cho rằng theo quy định, việc kiểm tra thực địa chỉ tiến hành khi công ty làm nghĩa vụ tài chính xong. Sau này thêm lý do dịch bệnh nên chưa tổ chức kiểm tra được.
Được biết, đến nay, Công ty Công Lý đã nộp tiền khu vực biển khoảng 30 tỉ đồng, vì không nộp thì hệ thống tài khoản của công ty sẽ bị đóng băng. Hiện, Cục Thuế Cà Mau có thông báo công ty phải nộp tiếp số tiền khoản 10 tỉ đồng.
Không giao mốc thực địa, dự án không thi công được
Tại buổi làm việc, đoàn công tác Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam lý giải rằng không có quy định giao mốc trên thực địa đối với việc giao khu vực biển. Còn nhà đầu tư thì nêu khó khăn khi không được giao mốc thực địa: “Đại diện biên phòng có mặt tại cuộc làm việc hôm nay cũng xác định không nắm được chính xác khu vực biển đã được giao cho chúng tôi, chỉ áng chừng tương đối. Các ngân hàng, tổ chức, cá nhân liên quan khi xem quyết định giao đất của Bộ TN-MT, đề nghị nhà đầu tư phải cung cấp biên bản kiểm tra thực địa như quy định tại quyết định này họ mới chấp nhận các giao dịch, đàm phán tiếp theo. Từ đó mà hơn 5 năm qua, DA điện gió Khai Long không sử dụng được khu vực biển".
Bình luận (0)