Ngày 13.2, UBND H.U Minh, Cà Mau cho biết, đến nay huyện này có 4 tuyến kênh sạt lở bờ và 3 đoạn sạt lở bờ biển nghiêm trọng. Khô hạn đã gây thiệt hại trên 9.300 ha sản xuất lúa, chủ yếu là diện tích lúa - tôm, lúa đông xuân.
Còn theo số liệu của Sở NN-PTNT Cà Mau, diện tích lúa bị thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại do hạn mặn trên địa bàn tỉnh đã hơn 41.600 ha (diện tích thiệt hại hơn 16.800 ha). Về rau màu, tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng, giảm năng suất là 340 ha.
Bên cạnh đó, địa bàn H.Trần Văn Thời đã xuất hiện 887 vị trí sụt lún, sạt lở đất, với tống chiều dài trên 21.100m; trong đó có 570 vị trí sụt lún, sạt lở đất với chiều dài trên 12.000m là đường bê tông cốt thép, ước thiệt hại khoảng 12 tỉ đồng. Và sẽ có có khoảng 13.500 hộ dân tại một số khu vực chưa được tiếp cận nguồn nước nối mạng và không có nguồn nước ngầm để khai thác sẽ thiếu hụt nguồn nước sạch. Do đó, mỗi khi bước vào mùa khô, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất lại diễn ra, kéo theo nhiều hệ lụy khác là sụt lún, sạt lở đất trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất, giao thương hàng hóa... của người dân trong vùng.
Nguy cơ cháy do khô hạn
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, độ mặn hiện nay đã cao hơn đỉnh hạn mặn lịch sử năm 2016 từ 2 - 3‰. Cụ thể, mức đo tại trạm Cà Mau hiện đã ở mức 29‰, trạm Sông Đốc ở mức 32‰. Dự báo hạn hán sẽ còn kéo dài đến hết tháng 4, độ mặn khả năng sẽ tiếp tục tăng cao, xâm nhập sâu vào nội đồng, tiếp tục gây hại lên cây trồng, vật nuôi. Ông Hoai cho rằng, căn cứ theo quy định, Cà Mau đủ điều kiện công bố thiên tai cấp 1, làm cơ sở xem xét hỗ trợ thiệt hại sản xuất.
Một diễn biến khác, theo Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Cà Mau thì hiện có hơn 42.000 ha rừng tràm và rừng tại các cụm đảo có nguy cơ cháy do ảnh hưởng của khô hạn.
Trong đó, hơn 3.000 ha rừng được dự báo cháy ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm); cấp IV (cấp nguy hiểm) hơn 13.000 ha và hơn 20.000 ha rừng cảnh báo cháy ở cấp II, III.
Trước tình hình trên, ngành chức năng Cà Mau đề nghị các đơn vị, cá nhân cần tăng cường lực lượng túc trực, phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý khi cháy xảy ra. Song song đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống cháy rừng đến từng hộ dân; nghiêm cấm việc hầm than, đốt cây cỏ trên đất sản xuất trong và ven rừng vào mùa khô.
Bình luận (0)