Theo số liệu tổng hợp từ UBND tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2021 đến nay, thiên tai diễn biến bất thường đã gây thiệt hại cho trên 2.300 ha lúa, hoa màu, cây ăn trái; làm ngập, tràn 500 ha nuôi thủy sản và gần 30 km đường giao thông. Đặc biệt, có 61 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài trên 1 km, trên 700 căn nhà bị thiệt hại…
Thấp thỏm nỗi lo sạt lở
H.Năm Căn là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do tình trạng sạt lở đất ven sông. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra khoảng 20 vụ sạt lở, gây nhiều thiệt hại tài sản cho người dân.
Chưa hết bàng hoàng sau vụ sạt lở đêm 12.6 vừa qua, ông Nguyễn Thành Ðại (ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, H.Năm Căn) cho hay vụ sạt lở đất làm ảnh hưởng đến 3 lò than của gia đình và hộ ông Huỳnh Văn Ổi với chiều ngang 30 m, dài 20 m, sâu đến 8 m. Tổng thiệt hại ước khoảng 80 triệu đồng.
Liên tiếp sau đó, sạt lở đã xảy ra tại khóm 7, TT.Năm Căn, làm sụp nhà của 3 hộ dân. Các vụ sạt lở có điểm chung là thường xảy ra trong đêm, nếu lơ là chủ quan thì không chỉ mất nhà, mất tài sản mà tính mạng của người dân cũng bị đe dọa. Chị Tô Thị Quyên (khóm 2, TT.Năm Căn) chia sẻ: “Căn nhà của tôi thuộc diện kiên cố nhất ở đây, nhưng hiện cũng bắt đầu bị nghiêng, lún xuống hơn 50 cm. Dù biết rủi ro nhưng gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác vẫn chấp nhận bám trụ lại, bởi nếu dời đi nơi khác thì ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế”.
|
Ông Trần Ðoàn Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Năm Căn, trăn trở: “Địa phương có vị trí giáp biển, nền đất yếu nên sạt lở xảy ra như một quy luật tự nhiên. Những năm gần đây, quy mô và tần suất sạt lở ngày một tăng. Do đó, công tác quản lý nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro cho người dân luôn phải đặt lên hàng đầu”.
Phát triển hệ thống “đê, kè mềm”
Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17.11.2017 của Chính phủ là phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Ba vấn đề được Nghị quyết 120 nhấn mạnh cũng là 3 thách thức rất lớn đối với Cà Mau trong quá trình phát triển là: giữ đất, giữ nước, giữ người.
Với bài toán “giữ đất”, ngành chức năng nhận định khó khăn cơ bản nhất là tác động của tình trạng BĐKH ngày càng nặng nề, làm gia tăng tình trạng sạt lở, sụt lún ven sông, ven biển. Bên cạnh đó, cũng như các tỉnh, thành trong vùng, Cà Mau rất thiếu hạ tầng để phát triển đồng bộ. Không chỉ là hệ thống đường giao thông mà hệ thống đê kè, thủy lợi… cũng chưa hoàn thiện.
Cà Mau có bờ biển dài 254 km. Thời gian qua, trên toàn tuyến bờ biển có khoảng 150 km bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, sạt lở từ 20 - 50 m/năm, bình quân mỗi năm bờ biển của Cà Mau bị sạt lở mất khoảng 450 ha. Theo thống kê, trong hơn 10 năm qua, tỉnh đã xây dựng được hơn 50 km kè bảo vệ bờ biển. Kết quả đạt được là rất khả quan, nhưng so với yêu cầu thì còn thiếu hụt rất xa. Theo đó, chỉ mới kè được khoảng 30% các đoạn bờ biển sạt lở nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, bảo vệ được 20% chiều dài bờ. Với nguồn lực và tiến độ như hiện nay, theo tính toán của ngành chức năng thì 40 năm nữa Cà Mau mới hoàn thành việc bảo vệ bờ biển.
|
Ðể giữ đất, tỉnh Cà Mau đang thay đổi cách tiếp cận nhằm thích ứng với BĐKH. Cụ thể, thay vì bị động hoặc trông vào các giải pháp đê cứng, tỉnh tiếp cận thu hút phát triển kinh tế biển ven bờ gắn với hệ thống “đê, kè mềm”. Bên cạnh đó là phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với tạo các lớp chắn sóng, tạo vùng bồi lắng và tái tạo rừng ngập mặn. Điển hình trong đó là phát triển các dự án điện gió, đây được xem là giải pháp góp phần chắn sóng và gió; dự án điện mặt trời ven biển với hệ thống kè mềm chắn sóng góp phần tạo vùng bồi lắng và vùng nước nuôi biển.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu ứng phó với BĐKH. Ðặc biệt, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng cho vùng. “Cà Mau rất cần sự đầu tư để phát triển hạ tầng bởi hiện nay hệ thống đường thủy, đường bộ và đường biển của vùng thiếu, yếu và chưa kết nối với nhau. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi của vùng cũng đang là vấn đề bất cập, sự phối hợp điều tiết thủy lợi của vùng chưa chặt chẽ…”, ông Sử phân tích.
Bình luận (0)