Cà Mau: Giải ngân chậm nên hủy bỏ vốn gần 135 tỉ đồng của 3 dự án

30/12/2022 20:13 GMT+7

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, nguồn vốn ODA được phân bổ cho Cà Mau cao nhưng tiến độ giải ngân chậm, nên hủy bỏ vốn 134,823 tỉ đồng của 3 dự án.

Ngày 30.12, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa kiến nghị tỉnh Cà Mau tổ chức rút kinh nghiệm và chỉ đạo Sở KH-ĐT, các chủ đầu tư, các đơn vị có liên quan rút kinh nghiệm, chấn chỉnh về các tồn tại, hạn chế trong việc tham mưu cho tỉnh này.

Mặt bằng tổng thể vị trí cửa xả hệ thống thoát nước P.2, TP.Cà Mau của dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải TP.Cà Mau

CTV

Cụ thể: Bố trí vốn cho 5 dự án (DA) nhóm B, 5 DA nhóm C thực hiện kéo dài vượt thời gian quy định; không nắm bắt tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) của địa phương.

Tham mưu phân bổ vốn không đúng danh mục T.Ư cho phép nên không được T.Ư bố trí vốn, thu hồi số tiền 15,189 tỉ đồng còn tồn đọng.

Phân bổ vốn dự phòng 170 tỉ đồng (nguồn tập trung 83 tỉ đồng; nguồn xổ số kiến thiết 86 tỉ đồng) không ưu tiên bố trí để thanh toán nợ đọng XDCB, thu hồi vốn ứng trước có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn địa phương theo quy định.

Bố trí vốn cho một số đơn vị chưa sát thực tế, khả năng thực hiện từng DA. Nhiều đơn vị đăng ký số vốn mà không căn cứ vào khả năng, tiến độ triển khai của DA (chưa có mặt bằng, chưa ước lượng được khối lượng hoàn thành,...) nhưng vẫn được giao kế hoạch vốn dẫn đến thừa vốn phải đề nghị điều chỉnh giảm.

Nguồn vốn ODA được phân bổ vốn cao nhưng tiến độ giải ngân chậm, chỉ đạt 38% kế hoạch vốn, nên hủy bỏ vốn 134,823 tỉ đồng của 3 DA, gồm: DA cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải TP.Cà Mau (hủy 103 tỉ đồng); Tiểu dự án 8: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau (hủy 30,824 tỉ đồng); DA kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại tỉnh Cà Mau (hủy 1 tỉ đồng).

Theo KTNN, DA đầu tư xây dựng công trình Khu tái định cư rừng phòng hộ biển Tây H.Trần Văn Thời (điểm dân cư vàm kênh Sào Lưới), UBND tỉnh Cà Mau quyết định chủ trương đầu tư DA, phê duyệt điều chỉnh DA khi chưa xác định rõ nguồn vốn, phương án huy động vốn theo quy định. Việc chưa xác định rõ nguồn vốn cho DA dẫn đến DA không thực hiện đúng theo tiến độ ban đầu, chưa đảm bảo theo mục tiêu của DA, làm tăng tổng mức đầu tư 30,859 tỉ đồng (từ 72,711 tỉ đồng lên 103,571 tỉ đồng).

DA sắp xếp dân cư khu vực sạt lở ven biển Đông (khu dân cư chợ Thủ, xã Tam Giang Tây, H.Ngọc Hiển) lập tổng mức đầu tư theo nguồn vốn được cấp mà không xác định đầy đủ theo quy mô thực tế của DA, dẫn đến việc thực hiện DA dở dang, chưa có vốn bố trí để hoàn thành các hạng mục theo thiết kế mà chỉ thực hiện theo số tiền được ngân sách T.Ư hỗ trợ.

Thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt (63/94 gói thầu) không có chi phí dự phòng chưa phù hợp với khoản 2 điều 5 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26.10.2015, dẫn đến thiếu 10% chi phí dự phòng (hơn 94 tỉ đồng).

Đồng thời, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở KH-ĐT, các chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan có giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm với số tiền 47 tỉ đồng sẽ trở thành nợ XDCB. Cụ thể: tất toán tài khoản DA hoàn thành số phải trả 19,355 tỉ đồng quá thời hạn quy định cần phải được bố trí kế hoạch vốn để thanh toán trả nợ cho nhà thầu; 6 danh mục công trình không được T.Ư bố trí vốn, thu hồi số tiền 15,189 tỉ đồng còn tồn đọng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.