Thế mạnh biển, đảo
|
Cà Mau hiện có cụm đảo nổi tiếng gồm các đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc. Đây đều là những địa điểm du lịch lý tưởng cho du khách khi đến với dải đất cuối cùng của Tổ quốc.
Cụm đảo Hòn Khoai có tổng diện tích khoảng 577 ha, thuộc xã Tân n (H.Ngọc Hiển), nằm cách đất liền 18 km với nhiều đảo nhỏ như: Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Quy, Hòn Đá Lẻ…, trong đó Hòn Khoai có diện tích lớn nhất khoảng 420 ha. Đảo Hòn Khoai là một thắng cảnh hữu tình với thảm rừng thiên nhiên độc đáo, có nhiều cây dược liệu quý hiếm như cây huyết rồng. Ngoài ra, đảo Hòn Khoai còn in đậm chứng tích lịch sử của vùng đất Cà Mau với cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai và người anh hùng Phan Ngọc Hiển.
Gần hơn đảo Hòn Khoai, cụm đảo Hòn Đá Bạc (H.Trần Văn Thời) chỉ cách bờ khoảng 1 km, với diện tích 6,3 ha, đỉnh cao nhất là 24 m. Vượt qua những triền núi đá cao, du khách sẽ vô cùng thích thú khi được tham quan nơi thờ phụng bộ xương Cá Ông. Đặc biệt, hằng năm vào ngày 14 - 16.2 âm lịch, hàng ngàn ngư dân ở khắp mọi nơi tập trung về đây tổ chức lễ hội Nghinh Ông, một hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh của người dân miền biển.
Ngoài tài nguyên đảo, quần thể du lịch sinh thái mũi Cà Mau - bãi Khai Long - cửa biển ông Trang cũng là những địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch. Nằm về phía đông nam mũi Cà Mau, bãi Khai Long có bờ cát mịn dài trải khoảng 16 km, chiều rộng cách bờ từ 1 - 2 km. Bãi bồi Cà Mau được bồi đắp nên bởi triều biển Đông và biển Tây, đang tiến nhanh ra biển hằng năm. Cùng với quá trình bồi tụ, các khu rừng ngập mặn hình thành một cách tự nhiên, với nguồn lợi thủy hải sản vô cùng phong phú. Khu bảo tồn thiên nhiên Ông Trang nằm trong khu Ramsar của thế giới rất thích hợp cho hoạt động nghiên cứu khoa học và tìm hiểu về hệ sinh thái đất ngập nước ven biển điển hình.
Hợp tác kích cầu du lịch
Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển, đảo nhưng đến nay, du lịch Cà Mau vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Ông Trần Đạt Duy, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL, cho rằng để du lịch Cà Mau phát triển xứng tầm thì công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch là những yếu tố cần được ưu tiên hàng đầu. “Trên thực tế, các công ty lữ hành rất muốn hợp tác với các đơn vị du lịch tại Cà Mau để cung cấp thông tin về sản phẩm và dịch vụ địa phương. Thông qua đó, địa phương sẽ xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh để đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế của khách du lịch”, ông Duy nói.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh du lịch địa phương kết nối với Công ty TNHH MTV dịch vụ du lịch Bến Thành, một trong những công ty du lịch hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm thông tin và quảng bá du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết: “Đây là mô hình điểm nhằm thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch địa phương; đồng thời là động thái kích cầu, thu hút chú ý của các công ty lữ hành ngoài tỉnh để tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa 2 bên”.
Lễ hội Nghinh Ông mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh của người dân miền biển Cà Mau - Ảnh: Chí Tín
Đảo Hòn Khoai, một thắng cảnh hữu tình nơi tận cùng Tổ quốc - Ảnh: Chí Tín |
Chí Tín
Bình luận (0)