Chiều ngày 22.8, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh có tờ trình xin kinh phí xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển và di dời dân cư khẩn cấp.
Theo số liệu thống kê từ ngành chức năng, trong 11 năm (2007 - 2018) qua, Cà Mau bị mất khoảng hơn 8.800 ha đất, rừng ven biển. Trong đó, bờ biển Tây bị xói lở với chiều dài trên 57 km, nhiều đoạn có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào; bờ biển Đông có độ xói lở hơn 48 km, làm mất đất rừng phòng hộ từ 80 - 100m chiều sâu/năm.
Tại khu vực biển Đông, hiện còn hơn 23,4 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần đầu tư để khắc phục nhằm ngăn chặn, bảo vệ tài sản, sản xuất của người dân cũng như các công trình hạ tầng, các khu cơ quan hành chính, công trình giáo dục, y tế, dân cư...
Từ đó, tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ 702 tỉ đồng để xây dựng kè cấp bách bảo vệ bờ biển phía Đông, nhất là tại các cửa biển xung yếu, khu đông dân cư, như: Rạch Gốc, Vàm Xoáy, Hố Gùi, Kênh Năm - Kênh Chùm Gọng, Kênh Chốn Sóng - Kênh Năm Ô Rô, Hốc Năng.
Ngoài sạt lở bờ biển, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh cũng đang diễn biến khá phức tạp, tập trung tại các huyện ven biển phía Đông: Đầm Dơi, Năm Căn, H.Ngọc Hiển. Từ năm 2018 đến nay, đã có trên 3,4 km bờ sông bị sạt lở.
Qua khảo sát thực tế, hiện có 27 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài gần 38 km. Đáng chú ý là xuất hiện 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài trên 4,8 km, liên quan đến hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống, kinh doanh.
Trước mắt, tỉnh kiến nghị Trung ương khẩn cấp xem xét bố trí trên 54 tỉ đồng (giai đoạn 2019 – 2020) cho Dự án đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Năm Căn, H.Năm Căn.
Trước thực trạng diễn biến phức tạp của thời tiết, sạt lở, nước biển dâng thời gian qua, tỉnh đã chi gần 1.000 tỉ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau để xử lý khắc phục xói lở ở các vị trí xung yếu, với chiều dài trên 28,7 km, chủ yếu trên tuyến biển Tây.
Bình luận (0)