Ngày 20.6, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Cà Mau, cho biết Sở vừa phối hợp UBND H.Thới Bình tổ chức lễ công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nhạc trống lớn của người Khmer.
Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật nhạc Trống lớn của người Khmer |
CTV |
Trước đó, vào đầu năm 2022, Bộ VH-TT-DL có quyết định đưa Nghệ thuật nhạc trống lớn của dân tộc Khmer ở H.Thới Bình (Cà Mau) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Vào những năm cuối thế kỷ 19, ông Hữu Pinh và ông Hữu Mốt đã mang theo loại hình nghệ thuật trình diễn nhạc trống lớn khi xuống Cà Mau lập nghiệp. Từ đó, loại hình nghệ thuật này được đồng bào Khmer ở Cà Mau biểu diễn phổ biến và quan tâm giữ gìn đến nay. Nghệ thuật nhạc trống lớn của đồng bào dân tộc Khmer H.Thới Bình được tạo ra từ dàn nhạc trống lớn (Plêng Skor Thom).
Theo các nghệ nhân, dàn nhạc trống lớn gồm 15 loại nhạc cụ: Skor Thom, Koông Thom, Skor Đay (02 cái), T’ruô - U, T’ruô - Khse bây (T’ruô Khmer, T’ruô Nguôk), T’ruô - sô, Chapay-chomriêng, Pay Puốc, Pay - O, Khloy, Khưm, Chhưng, Tà Khê và Krap.
Dàn nhạc trống lớn thường được biểu diễn trên một chiếc chiếu được trải phía trước nhà. Trước khi diễn xướng bắt buộc phải có một mâm lễ cúng tổ, bố trí ở trung tâm của dàn nhạc. Chiếc trống lớn chủ đạo được bố trí ở trung tâm hoặc một góc thuận tiện để nghệ nhân trình diễn. Các nghệ nhân sử dụng các loại nhạc cụ khác được bố trí ngồi quanh chiếc chiếu.
Các nghệ nhân gắn bó với nghệ thuật trình diễn nhạc trống lớn và người dân Khemr tại Cà Mau thật sự phấn khởi khi loại hình nghệ thuật tiêu biểu của dân tộc được danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đồng thời, khẳng định sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy cho các thế hệ kế cận.
Bình luận (0)