Cà Mau nỗ lực ứng phó thiên tai

10/07/2023 08:00 GMT+7

Tỉnh Cà Mau đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại do thiên tai, sạt lở gây ra, nhất là vào cao điểm mùa mưa bão.

Ám ảnh cảnh sạt lở, triều cường dâng

Đê biển Tây được hình thành từ năm 1997, đi qua 3 huyện của tỉnh Cà Mau là U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân, với chiều dài gần 110 km. Tuyến đê này có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh khi bảo vệ hơn 26.000 hộ dân và gần 129.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, bên cạnh sạt lở diễn ra ngày càng nhiều thì mỗi khi vào mùa mưa bão, triều cường thường xuyên dâng cao là mối đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản người dân nơi đây.

Anh Nguyễn Văn Toàn (ngụ xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời) vẫn chưa quên lần thoát chết trong đợt triều cường dâng cao kèm sóng lớn năm 2022. "Lúc đó, gió thổi mạnh kèm sóng lớn đánh tràn qua kè, sóng hất tung cả người và vật dụng xuống biển. May mắn là sự việc chỉ diễn ra khoảng 5 phút nên nhiều người mới thoát nạn. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng triều cường làm hư hại nhiều tài sản, hoa màu của người dân, nhất là những hộ sống ngoài đê", anh Toàn kể lại.

Cà Mau nỗ lực ứng phó thiên tai - Ảnh 1.

Xây kè bảo vệ đê biển tại khu vực thuộc xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời, Cà Mau

GIA BÁCH

Còn ông Đỗ Viết Thảo (ngụ cùng địa phương) cho biết, mỗi khi vào mùa mưa bão, người dân địa phương lại lo sợ nước dâng cao tràn vào đồng lúa phía bên trong đê. "Bà con ở đây đa phần canh tác lúa 2 vụ. Khi nước mặn từ biển tràn vào thì không chỉ gây thiệt hại cho vụ lúa đang sản xuất, mà đất canh tác sẽ nhiễm mặn, ảnh hưởng lớn đến những mùa vụ sau", ông Thảo nói.

Theo số liệu do ngành chuyên môn đo được, những năm gần đây, triều cường cao trung bình từ 2,5 - 2,6 m, có thời điểm cao hơn. Trong khi ở những tuyến đê biển Tây chưa được nâng cấp thì nơi cao nhất chỉ khoảng 1,6 m. Chính vì vậy, khi triều cường xảy ra thì nhiều khu vực sẽ bị ngập nặng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.

Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết: "May mắn ở phía biển Tây chúng ta còn có đê bảo vệ, còn khu vực biển Đông thì tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn, bình quân mỗi năm sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 30 - 40 m. Cá biệt có những điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng như ở Hố Gùi lên đến 80 m chỉ trong vòng có 1 tháng".

Theo thống kê, trong tổng số 142 km bờ biển Đông thì có trên 80 km đang trong tình trạng sạt lở với nhiều mức độ khác nhau. "Khu vực này không có hạ tầng, cụm dân cư để so sánh, nên lở tới đâu thì chịu mất đất tới đó", ông Nam chia sẻ.

Cà Mau nỗ lực ứng phó thiên tai - Ảnh 2.

Lực lượng tại chỗ gia cố các điểm đê biển Tây bị sạt lở do triều cường dâng

GIA BÁCH

Sạt lở gia tăng cả quy mô và tần suất

Theo UBND tỉnh Cà Mau, chỉ riêng tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông đã làm hư hỏng gần 26 km lộ giao thông và trên 230 căn nhà, tổng thiệt hại trên 1.000 tỉ đồng. Hiện, trong tổng số 254 km bờ biển thì có đến 188 km bị sạt lở. Đặc biệt, tình trạng này đang diễn ra với chiều hướng gia tăng cả về quy mô, tần suất. Chỉ trong 10 năm gần đây, sạt lở làm mất trên 5.200 ha diện tích rừng ven biển, tương đương với một xã của tỉnh.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng với tốc độ như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất rừng phòng hộ ven biển. Trước tình hình trên, tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.

Bằng nhiều nỗ lực và sự hỗ trợ từ T.Ư, hiện Cà Mau đã xây dựng được gần 57 km kè bảo vệ với tổng kinh phí hơn 1.800 tỉ đồng. Những công trình được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ.

Hiện, tỉnh Cà Mau và Bộ NN-PTNT đang tiếp tục triển khai thực hiện hơn 31 km với kinh phí trên 1.200 tỉ đồng để xây dựng kè bảo vệ những đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.