Ngày 7.4, ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, cho biết sau 4 năm thực hiện dự án "Thả rạn nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp phát triển du lịch trên vùng biển tỉnh Cà Mau", đã có 900 khối rạn bê tông được thả xuống biển làm nơi trú ngụ cho nhiều loài sinh vật biển.
Đây là dự án hợp tác giữa Cơ quan Hợp tác quốc tế (TICA), Bộ Ngoại giao Thái Lan, Bộ NN-PTNT cùng UBND tỉnh Cà Mau, với mục tiêu thúc đẩy khôi phục tài nguyên biển. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 7,7 tỉ đồng, trong đó Chính phủ Thái Lan tài trợ 3 tỉ đồng, còn lại vốn đối ứng. Khu vực thả rạn nhân tạo thuộc vùng biển tây Cà Mau trên địa bàn 2 xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc (H.Trần Văn Thời).
Năm 2020, có 500 khối rạn bằng bê tông được thả xuống biển, mỗi rạn là khối bê tông hình lập phương cao khoảng 1 m và thả cách đất liền khoảng 15 km. Đến năm 2022, tỉnh Cà Mau tiếp tục đầu tư 2,6 tỉ đồng đúc thêm 400 khối rạn bê tông thả xuống biển.
Theo ông Triều, khu vực thả rạn nhân tạo nêu trên đã tạo nên khu vực rạn nhân tạo quản lý có chu vi 5,6 km với diện tích 1,88 km2, góp phần ngăn cản một số ngư lưới cụ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái vùng biển ven bờ.
"Rạn nhân tạo phát huy được vai trò làm nơi trú ẩn để bảo vệ cá con, cá còn non mới trưởng thành và một số loài cá có giá trị kinh tế, giá trị sinh cảnh, tránh khỏi các ngư lưới cụ khai thác mang tính hủy diệt. Qua đó hình thành nơi cư trú nhân tạo ổn định cho các loài thủy sản trú ngụ, phát triến", ông Triều thông tin thêm.
Trước khi thả rạn nhân tạo, không tìm thấy được loài nào tại 5 điểm lặn khảo sát. Nhưng sau khi thả rạn nhân tạo hơn 10 tháng, hệ sinh thái tại đây đã phục hồi đáng kể với hơn 78 loài đại diện được tìm thấy thường xuyên. Trong đó, mật độ cá chiếm tỷ lệ cao với 48 loài (chiếm 61,5%), nhóm động vật sống ở tầng đáy rạn với 23 loài (chiếm tỷ lệ 29,5%) và nhóm động vật đeo bám theo rạn có 7 loài (chiếm 9%).
Qua khảo sát cho thấy, sau khi thả rạn nhân tạo, thu nhập của người dân trong các nghề đánh bắt ở khu vực này tăng lên đáng kể. Cụ thể, sản lượng khai thác trung bình mỗi chuyến sau khi thả rạn của nghề lưới rê (nhóm ngư cụ khai thác thủy sản theo phương thức thụ động) tăng hơn 15%, nghề lồng xếp (các ngư cụ lờ, lú bát quái, dớn...) tăng hơn 27%, nghề câu mực tăng 16%, nghề ốc bẫy mực tăng gần 9,6%.
Bình luận (0)