Cá ngừ đi Nhật

07/08/2014 02:30 GMT+7

Ngày 6.8, Công ty CP thủy sản Bình Định (Bidifisco) và Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd (Kato Office) của Nhật Bản đã phối hợp xuất chuyến cá ngừ chất lượng cao đầu tiên qua đường hàng không gồm 9 con sang Nhật Bản, mở ra triển vọng mới cho nghề câu cá ngừ đại dương ở VN.

Ngày 6.8, Công ty CP thủy sản Bình Định (Bidifisco) và Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd (Kato Office) của Nhật Bản đã phối hợp xuất chuyến cá ngừ chất lượng cao đầu tiên qua đường hàng không gồm 9 con sang Nhật Bản, mở ra triển vọng mới cho nghề câu cá ngừ đại dương ở VN.

 Cá ngừ đi Nhật
Cắt thịt ở phần đuôi cá ngừ để chuyên gia Nhật kiểm tra chất lượng cá - Ảnh: Hoàng Trọng

Như Thanh Niên đã thông tin, đây là thành quả đầu tiên của mô hình Liên kết sản xuất cá ngừ theo chuỗi, gồm: Nhóm khai thác (5 tàu câu cá ngừ đại dương ở Bình Định), nhà thu mua xuất khẩu (Bidifisco) và đại lý độc quyền của Bidifisco tại Nhật (Kato Office). Tháng 6.2014, 5 tàu câu cá ngừ tham gia mô hình được bàn giao trang bị 5 bộ thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương của Nhật (tổng trị giá 1,5 tỉ đồng). Đến ngày 5.8, các tàu cá này đã cập cảng cá Quy Nhơn sau khi thực hiện chuyến đánh bắt đầu tiên sử dụng công nghệ mới, kết quả được 54 con cá ngừ đại dương, trung bình 40 - 50 kg/con. Bidifisco đã chọn 9 trong số 37 con đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản. Công ty Kato Office sẽ nhận số cá này vào ngày 7.8 để nhập kho, kiểm tra chất lượng và đem bán đấu giá vào sáng 8.8.

 
Chất lượng cá đánh bắt lần này vẫn còn kém là do ngư dân còn mắc sai sót ở khâu câu cá và bảo quản cá, ướp cá chưa được tốt. Chúng tôi đã cắt ở phía dưới đuôi mỗi con cá ngừ một miếng thịt để kiểm tra màu sắc cũng như độ mềm. Chỉ cần nhìn vào miếng thịt sẽ biết con cá nào đạt chất lượng và ngư dân mắc sai ở khâu nào thì chúng tôi sẽ hướng dẫn cho ngư dân sau

Ông Masakazu Shoga, chuyên gia chất lượng thủy sản của Kato Office

“Chất lượng cá đánh bắt lần này vẫn còn kém là do ngư dân còn mắc sai sót ở khâu câu cá và bảo quản cá, ướp cá chưa được tốt. Chúng tôi đã cắt ở phía dưới đuôi mỗi con cá ngừ một miếng thịt để kiểm tra màu sắc cũng như độ mềm. Chỉ cần nhìn vào miếng thịt sẽ biết con cá nào đạt chất lượng và ngư dân mắc sai ở khâu nào thì chúng tôi sẽ hướng dẫn cho ngư dân sau”, ông Masakazu Shoga (chuyên gia chất lượng thủy sản của Kato Office) nói tại buổi kiểm tra. Theo ông Masakazu Shoga, hằng năm, Nhật Bản tiêu thụ khoảng 600.000 tấn cá ngừ đại dương, trong đó có 300.000 tấn phải nhập từ nước ngoài, nhưng chỉ có 100.000 tấn là cá tươi, 200.000 tấn đông lạnh. Các nước nhập khẩu cá sang thị trường Nhật đã có tới 80% ngư dân sử dụng thiết bị và công nghệ của Nhật Bản.

 Ông Nguyễn Quê (ở xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn, Bình Định, chủ tàu cá BĐ-96776 TS), một trong các chủ tàu cá được chọn tham gia mô hình Liên kết sản xuất cá ngừ theo chuỗi, cho biết các tàu cá tham gia đánh bắt theo kiểu Nhật được cải tạo, nâng cấp hầm lạnh, hầm bảo quản cá. Một số thiết bị mới để đánh bắt và xử lý cá sau khi khai thác được trang bị như cần câu, dao cắt vây đuôi, dao mổ nội tạng, dùi chọt não, dùi thông não, dao chọc tiết cá, búa cao su và thẻ bài đánh dấu ngày khai thác từng con cá. “Thiết bị đánh bắt như chiếc rọ, bên trong gắn những chiếc phao cao su. Khi cá dính câu được kéo lên khỏi mặt biển thì chiếc phao sẽ khống chế sự vùng vẫy của cá. Cá bị ép phần đuôi và vây lưng nên không thể vùng vẫy, chất lượng cá vì thế sẽ tốt hơn”, ông Quê nói.

 Sau khi con cá ngừ được được kéo lên boong tàu, ngư dân dùng búa cao su đánh vào phần đầu giữa 2 mắt để cá ngất đi. Sau đó, cầm vây cá kéo dựng đứng lên, dùng dao chọc tiết đâm thẳng vào đường vạch đen phân cách giữa lưng và bụng cá, sau gốc vây ngực từ 5 - 8 cm, vết rạch sâu 2 cm vuông góc với gốc vây ngực cả hai bên. Con cá được xả huyết càng nhiều thì thịt cá có chất lượng càng tốt. Bước tiếp theo là dùng dùi chọt não rồi dùng dây thông não, cắt vây đuôi để cá khỏi vùng vẫy, mổ bụng làm sạch nội tạng. Sau đó bỏ con cá vào hầm lạnh gồm nước biển và đá lạnh xay nhỏ từ 4 - 6 tiếng đồng hồ rồi mới cho vào hầm bảo quản ướp cá.

Cần nhất là hầm bảo quản tốt

Đầu tháng 8, tại TP.Nha Trang, Công ty Yanmar (Nhật Bản) đã khánh thành tàu câu cá ngừ vỏ composite mang tên VIJAS Research & Training Vessel.  Đây là tàu vỏ composite đầu tiên nằm trong dự án “Nâng cao thu nhập cho ngư dân và phát triển ngành khai thác cá ngừ VN bền vững” của Công ty Yanmar. Tàu do Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy thuộc Trường ĐH Nha Trang chế tạo, vốn đầu tư khoảng 6 tỉ đồng.

Ông Arata Izawa, tiến sĩ chuyên về cá ngừ của Công ty Yanmar, cho biết để đảm bảo cá ngừ chất lượng cao, sau khi đánh bắt và đưa cá lên trên tàu thì không để cá giãy giụa nhiều, vì thân nhiệt của cá tăng cao sẽ khiến chất lượng thịt giảm xuống. Một trong những phương pháp để duy trì độ tươi của cá là cần có hầm bảo quản cá tốt. Hầm cá làm bằng chất liệu composite có khả năng cách nhiệt rất hiệu quả, như hầm cá trên tàu do Công ty Yanmar thiết kế có hai nắp cách nhiệt, vì thế có thể giữ độ tươi của cá được lâu. Tàu có 9 hầm bảo quản lạnh, tổng dung tích các khoang là 20 m3, với kết cấu cách nhiệt và kín nước, hệ thống hầm bảo quản quyết định đến việc đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Công ty Yanmar dự kiến đầu tư thí điểm 60 tàu vỏ composite khai thác cá ngừ tại mỗi tỉnh ở Nam Trung bộ theo mô hình công ty đánh cá cổ phần của Nhật Bản. Ngư dân được mua cổ phần 100% giá trị tàu và sử dụng, khai thác hải sản. Công ty Yanmar tư vấn và quản lý chất lượng cá ngừ và hỗ trợ bao tiêu, xuất khẩu sản phẩm.

 Nguyễn Chung

Hoàng Trọng

>> Xuất khẩu chuyến cá ngừ đầu tiên sang Nhật Bản
>> Giá trị cá ngừ đại dương ngày càng giảm
>> Xuất khẩu cá ngừ đại dương Việt Nam sang Nhật
>> Tàu cá ngư dân ta vẫn khai thác thủy hải sản an toàn
>> Hỗ trợ ngư dân khai thác cá ngừ theo kiểu Nhật 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.