Cả nhà trang trọng dự đám cưới online khi TP.HCM giãn cách giữa mùa dịch Covid-19

27/07/2021 12:12 GMT+7

Người thân bị kẹt ở khu phong tỏa phòng dịch Covid-19 , cô dâu chú rể ở TP.HCM quyết định tổ chức đám cưới online qua Zoom. Lễ cưới diễn ra trang trọng, ấm áp khiến dân mạng không tiếc lời chúc phúc.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, chủ nhân của đám cưới online đặc biệt này là cô dâu Phạm Trương Khánh Thi và chú rể Trần Văn Quan. Những hình ảnh về đám cưới độc đáo này được chị Phạm Trương Bảo Khánh (28 tuổt, em gái của cô dâu kiêm nhiếp ảnh gia buổi tiệc) đăng lên trang cá nhân.

Một ngày chuẩn bị xong... đám cưới

Chị Khánh kể gia đình hai bên mỗi người đang ở một nơi, bố cô dâu ở Đà Nẵng, mẹ thì đang sống tại TP.Thủ Đức, cô dâu ở gần đó, chị Khánh ở ngoại ô TP.HCM còn gia đình nhà trai ở Huế. Một vài họ hàng thân thuộc sống tại nước ngoài. Trong điều kiện ngặt nghèo của giãn cách xã hội nên đám cưới đã diễn ra ở TP.HCM ngày 17.7 tại chung cư cô dâu đang ở.

Cặp đôi Việt ở Hàn Quốc làm đám cưới trên Zoom, bố mẹ chúc phúc online

Trước đám cưới 1 ngày, chung cư của cô dâu có ca nhiễm Covid-19 nên tạm thời phong tỏa phòng dịch, may mắn trước đó chú rể đã đến nhà cô dâu ở để chuẩn bị cho đám cưới. Không những vậy, chung cư của mẹ cô dâu cũng có ca F1 nên không tiện ra ngoài, bố mẹ của chú rể ở Huế cũng đang ở trong khu vực phong tỏa.
“Khu bên nhà mình cũng ở giữa 2 khu cách ly nên cũng không mua sắm gì được nhiều”, chị Khánh tâm sự.

Bàn thờ gia tiên được phía ba mẹ cô dâu chú rể chuẩn bị kỹ lưỡng, khách mời cũng ăn mặc chỉn chu, trang điểm rạng rỡ dù chỉ tham dự đám cưới online

Cô dâu Khánh Thi cho biết từ tháng 4 gia đình chị đã lên kế hoạch cho đám cưới vào ngày 17.7 và hoàn thành đăng ký kết hôn vào tháng 5. Dự tính đám cưới sẽ được tổ chức tại nhà thờ, tư gia, nhà hàng. Thế nhưng dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM, đám cưới dời lại. Đến tối 15.7, chị Khánh và cả gia đình bất ngờ nhận được thông báo từ cô dâu về việc giữ nguyên ngày cưới. Sáng hôm sau, cả gia đình bắt đầu gọi điện cho nhau, bàn bạc về cách tổ chức thế nào.
“Khi tổ chức online, khách mời gói gọn hai bên nội ngoại trong 25 người. Thêm điều đặc biệt, mẹ mình là con thứ 7 ở trong nhà, anh trai cưới ngày 7.7, chị gái chọn cưới ngày 17.7 nên không muốn dời lại sau dịch”, chị Khánh tiết lộ.

Ở nhà ngày dịch, giới trẻ Việt tập Yoga chờ qua giãn cách

Rước dâu từ... phòng này qua phòng kia

Hôn lễ online diễn ra trong khoảng 2 giờ 30 phút, lễ rước dâu tượng trưng bằng việc rước dâu từ phòng này qua phòng kia có bạn của cô dâu làm chứng. Vì làm đám cưới online, không biết tham khảo từ ai nên chị Khánh cùng gia đình cố gắng giữ những nghi thức truyền thống nhưng ứng dụng công nghệ vào buổi lễ. Anh cả cô dâu là chủ lễ, kiêm luôn MC giới thiệu và chủ trì hoạt động trên... ứng dụng Zoom. Chị Khánh là nhiếp ảnh gia, chụp quay màn hình lại để làm album và dựng thành... phóng sự cưới.
Đại diện đàng trai đàng gái cũng phát biểu, trò chuyện với nhau qua ứng dụng Zoom. Khách mời dự online vẫn ăn mặc rất chỉn chu, trang điểm rạng rỡ. Riêng cô dâu Khánh Thi, dù thiếu vắng người thân bên cạnh trong ngày trọng đại nhưng cảm thấy rất vui và ấm áp, bật khóc vì cảm thấy được yêu thương. Lễ phục của cô dâu và chú rể được cả hai chuẩn bị trước dịch, chân đèn và bàn thờ gia tiên tại nhà cô dâu được mẹ may lại rồi ship qua.
“Lúc chụp hình cưới thì đã mua quần áo cho chú rể, áo dài cũng đã đặt mua. Nhưng khi TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 thì tụi mình đặt đồ trang trí trên mạng rồi ship đến. Lúc tự chuẩn bị bàn thờ tại nhà, mình chỉ biết chuẩn bị những thứ cơ bản nhưng khi bật Zoom lên mới thấy bàn thờ của gia đình được chuẩn bị rất kỹ lưỡng long trọng nên cảm thấy rất xúc động”, cô dâu tâm sự.
“Qua đám cưới online của chị, mình nhận ra tình cảm gia đình dành cho nhau không phải trên các thủ tục mà ở sự quan tâm thấu hiểu lẫn nhau”, chị Khánh bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.