Theo những người địa phương, cá nhét vùng sông Bánh Lái trú nhiều ở những đoạn sông có nhiều bùn. Từ sông, chúng có thể ra ao đồng, sống dũi dưới lớp bùn cho phù hợp với thời tiết. Về hình thức, cá nhét da trơn như lươn, màu nâu xám, đầu nhọn, đuôi dẹt có nhiều chấm bông, con lớn nhất khoảng bằng ngón tay cái người lớn, dài khoảng 20 cm. Sau khi bắt về, người ta ngâm nước xả bùn, làm cho sạch nhớt, sạch ruột, để nguyên con rồi chế biến. Trên danh mục ẩm thực phổ biến, thường là cá nhét nướng chấm cơm mẻ, xào sả ớt, um chuối chát, nấu lẩu, nấu cháo, canh chua, kho tộ...
|
Những lần gặp nhau quý hóa, mấy người bạn của tôi cho rằng, các món trên rất ngon nhưng chế biến hơi lâu, cầu kỳ, vả lại chẳng lẽ mình cứ ăn hoài món cũ, phải có cái gì lạ miệng chứ. Vậy là một người xắn tay vào bếp, làm tốc hành món cá nhét nấu lá gừng vườn nhà. Chỉ trong chốc lát, nồi nước sôi lên, phần cá đã làm sạch và ướp với các loại gia vị (không thể thiếu hành củ băm và ớt vì cá tanh) được trút vào nồi. Đợi cho cá chín rồi cho vào một nắm lá gừng non xắt nhỏ. Khi nồi cá sôi lên lần nữa thì thêm ít ớt và tiêu bột, thế là có một nồi cá nhét nóng thơm ngon đặc biệt.
Cá nhét ngon, món nấu lá gừng ăn nóng lại càng đậm đà hơn. Loại cá này có xương mềm nên người ăn có thể nhai luôn xương mới cảm hết độ ngọt của nó. Nếu thích, có thể gắp từng con cá dằm vào đĩa nước mắm ớt, nhất là những con mập ú. Khi ăn ta cảm nhận được vị béo, bùi, dai, ngọt của cá quyện vào mùi thơm của lá gừng, vị cay của ớt, mùi nồng của tiêu. Có thể ăn cá nhét nấu lá gừng với cơm hoặc bánh tráng nướng, ăn hết cả nồi canh cá vẫn thòm thèm...
Tấn Trực
Bình luận (0)