Cả nước chia thành 7 vùng: Phân vùng rồi làm gì nữa?

04/06/2020 12:41 GMT+7

Cả nước sẽ được chia thành 7 vùng kinh tế - xã hội thay vì 6 vùng như hiện nay. Theo chuyên gia, điều quan trọng là cơ chế, thể chế cho việc đầu tư, phát triển vùng hơn là vấn đề phân vùng thuần túy.

Sáng 4.6, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030 để triển khai thực hiện luật Quy hoạch. 

Chuyển 4 tỉnh về Đồng bằng sông Hồng, tách Trung Bộ thành 2

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành và địa phương, ngày 26.3 vừa qua, Bộ KH-ĐT có tờ trình báo cáo Thủ tướng về phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đề xuất 6 phương án phân vùng.
Tiếp đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngày 14.5 , Bộ Kế hoạch - Đầu tư có tờ trình về phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đề xuất 2 phương án phân vùng để lựa chọn.
Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên 2 vùng (vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long) đồng thời tách vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện tại thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc.
Bên cạnh đó tách vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung hiện tại thành Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ (tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa vào vùng Nam Trung bộ), điều chỉnh 1 tỉnh (Bình Thuận) sang vùng Đông Nam bộ và gộp 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông) vào vùng Nam Trung bộ.
Ngoài ra, vùng Đông Nam bộ mới được hình thành trên cơ sở vùng Đông Nam bộ hiện nay và bổ sung thêm 2 tỉnh (Lâm Đồng và Bình Thuận).
Còn phương án 2, theo ông Phương, được xây dựng trên cơ sở phương án phân vùng giai đoạn 2011 - 2020 hiện nay, chỉ thực hiện tách vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng: vùng Bắc Trung bộ và vùng Nam Trung bộ; đồng thời mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang để trở thành vùng Đồng bằng và Trung du Bắc bộ.

GS Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam

Ảnh Gia Hân

Phát biểu sau đó, nhiều ý kiến đồng tình với phương án 2 được đưa ra tại phiên họp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc đưa 4 tỉnh trung du là Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang về vùng Đồng bằng sông Hồng và đưa Long An về vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
PGS - TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, đề nghị xem xét cân nhắc việc đưa 4 tỉnh về vùng Đồng bằng sông Hồng vì 4 tỉnh này hiện nay là động lực phát triển của vùng trung du miền núi phía Bắc. “Nếu cắt mất đầu tàu thì vùng miền núi phía Bắc sẽ rất khó”, ông Hanh nói.
Cùng quan điểm này, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch Hà Nội, cho rằng việc “mở rộng” này sẽ khiến vùng Đồng bằng và trung du Bắc bộ có tới 15 tỉnh là “quá lớn”. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh sẽ không thích “về” nhưng vẫn phải thực hiện.
Trong khi đó, GS Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, thì cho rằng, Long An và cả Tiền Giang thực chất không nằm trong lưu vực sông Cửu Long mà thuộc về khu vực Đông Nam bộ. “Có lẽ ta nên liều một tí, đưa Long An, Tiền Giang về miền Đông Nam bộ thì TP.HCM mới là trung tâm gắn kết vùng được”, ông Thái đề xuất.

“Phân vùng để làm gì?”

Ngoài góp ý cho 2 phương án trình Chính phủ, nhiều ý kiến tại cuộc họp đều đặt ra vấn đề: phân vùng để làm gì?
Trả lời câu hỏi này, GS Nguyễn Quang Thái cho rằng, nếu sau khi làm quy hoạch vùng xong rồi mà chỉ xuân thu nhị kỳ họp với nhau để cộng số liệu, hứa hẹn, vui vẻ với nhau nhưng không có thể chế nào để liên kết vùng thì không có ý nghĩa.
“Cần phải có cơ chế, thể chế để điều hành vùng. Không phải quy hoạch để vẽ cho đẹp mà không có ai điều hành, điều tiết. Đó là chỗ yếu nhất từ quy hoạch tới điều hành”, ông Thái nói.
PGS - TS Trần Trọng Hanh cũng cho rằng, cái thiếu lâu nay không phải là không có quy hoạch mà thiếu thể chế để liên kết, phát triển vùng, từ việc thiếu cơ quan điều phối, quản lý; chính sách tài khóa không có cấp vùng đồng thời các chính sách liên kết vùng cũng hết sức hời hợt.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch Hà Nội

Ảnh Gia Hân

Từ đó, GS Hanh đề nghị cần nghiên cứu thể chế, cải cách cơ chế tài khóa để tránh tình trạng hiện nay là nguồn lực rơi vào từng bộ, ngành mà không có nguồn lực dành cho phát triển vùng.
Cùng quan điểm này, cũng cho biết, Hiến pháp gần đây nhất, không đặt ra vùng như một thể chế trong tổ chức chính quyền địa phương. Từ đó, ông Nghiêm đề nghị cần phải có cơ chế quản lý vùng thì việc quy hoạch vùng mới thực sự có ý nghĩa.
“Phải có cơ quan phát triển vùng, cơ quan này không chỉ là chủ tịch tỉnh luân phiên mà cần có bộ phận văn phòng, cơ quan giúp việc”, ông Nghiêm nêu đồng thời đề nghị cần có quỹ hợp tác vùng do Chính phủ quyết định để đầu tư, phát triển vùng. “Không có quỹ thì không phát triển vùng được”, ông Nghiêm nói.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, mục tiêu của việc phân vùng là để thực hiện luật Quy hoạch, làm cơ sở để quy hoạch vùng. Tuy nhiên, ông Dũng đồng tình cho rằng, nhiều người vẫn nói chúng ta phân vùng chỉ để phân vùng, mà chưa có ý nghĩa thực sự trong đầu tư, chính sách phát triển vùng.
“Nhiều vùng thành ra câu lạc bộ vui vẻ chứ không phải chỉ đạo vùng, liên kết vùng, chính sách vùng”, ông Dũng nói và khẳng định, cần phải xác định rõ phân vùng để làm gì. “Phân vùng để quy hoạch cụ thể từng vùng, từ đó khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương trong vùng, toàn vùng để phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng thông qua phân công, hợp tác và hệ thống hạ tầng…”
Từ đó, ông Dũng đề nghị Bộ KH-ĐT tiếp thu ý kiến của các đại biểu, trình Chính phủ 2 phương án trên cơ sở phương án 2 để thông qua.
7 vùng kinh tế - xã hội theo phương án 2 sẽ được sửa đổi để trình Chính phủ
(1) Vùng Miền núi phía Bắc gồm 10 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La;
(2) Vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ gồm 15 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh;
(3) Vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế;
(4) Vùng Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận;
(5) Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng;
(6) Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh/thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh;
(7) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh/thành phố: Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.