Đó là Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, nhờ các nỗ lực thực hiện đúng quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.
|
Theo đó, Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc phải đáp ứng các tiêu chí: trẻ được bú mẹ hoàn toàn sau sinh; đảm bảo chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau sinh, sau mổ lấy thai và nuôi con bằng sữa mẹ; bệnh viện đạt quá trình khảo sát sự hài lòng của sản phụ/gia đình.
Da kề da sau sinh theo chuẩn quốc tế
Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, tiêu chí Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc được ghi nhận bằng việc thực hiện da kề da ít nhất 90 phút thường quy cho các ca sinh thường, sinh mổ cho bà mẹ và trẻ sơ sinh theo đúng quy trình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trước khi xuất viện và không quảng bá các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Theo WHO, trẻ sơ sinh cần được da kề da với mẹ ít nhất 90 phút đầu sau sinh để ngăn ngừa nguy cơ hạ thân nhiệt và giảm nguy cơ tử vong. Trẻ được da kề da sẽ tăng tỉ lệ bú mẹ sớm trong vòng 90 phút đầu sau sinh lên trên 3 lần và việc bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh giúp giảm 2 lần nguy cơ tử vong so với trẻ không được bú sớm. Nghiên cứu quan sát tác động tích cực của việc áp dụng da kề da đủ 90 phút liên tục ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cũng cho thấy điều tương tự, tỉ lệ trẻ sơ sinh phải chăm sóc đặc biệt giảm 30%, tỉ lệ phải sử dụng kháng sinh giảm trên 50% và tỉ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn tăng gấp 3 lần.
Ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, thực hành da kề da kéo dài và liên tục hay còn gọi là phương pháp Kangaroo không chỉ dành cho trẻ non tháng nhẹ cân ổn định, mà trẻ cần hỗ trợ thở, truyền dịch, chiếu đèn vàng da vẫn được da kề da với mẹ hoặc người thân trong gia đình tại các phòng chăm sóc Kangaroo.
Chọn người đồng hành khi chuyển dạ
Ngoài đảm bảo các tiêu chí Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam còn triển khai mô hình phòng sinh thân thiện, cho phép sản phụ được lựa chọn một người đồng hành mà họ tin cậy để hỗ trợ mình trong suốt quá trình chuyển dạ.
Theo đó, sản phụ được chọn bất cứ một người nào để hỗ trợ mình trong suốt quá trình chuyển dạ nếu muốn. Người đồng hành sẽ khuyến khích, động viên, hỗ trợ sản phụ thở thật sâu và đều đặn trong suốt quá trình chờ sinh, xoa lưng, lau trán để sản phụ bớt đau đớn trong mỗi lần tử cung co thắt, khuyến khích sản phụ ăn uống, di chuyển, thay đổi tư thế theo ý muốn.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, từ khi áp dụng mô hình phòng sinh thân thiện, tỉ lệ sinh mổ của bệnh viện giảm 6%, về mức 28% vào tháng 8.2019, thấp hơn khoảng 15% so với các bệnh viện cùng hạng. Tỉ lệ mổ lấy thai trong nhóm con so, đơn thai giảm còn 15%, đạt mức khuyến cáo của WHO.
Theo chia sẻ của WHO, người đồng hành trong phòng sinh là một phương pháp ít tốn kém chi phí mà lại mang lại lợi ích to lớn, giúp sản phụ vượt cạn dễ dàng hơn, hạn chế các can thiệp như mổ đẻ, dùng thuốc giảm đau. Với tâm lý ổn định, giảm bớt căng thẳng và đau đớn, cơ thể sẽ tiết ra nhiều oxytoxin giúp sữa mẹ được tiết nhanh hơn, bé bú mẹ sớm hơn.
Ông Roger Mathisen, Giám đốc Chương trình Alive & Thrive Khu vực Đông Nam Á, cho biết: “Cả hai bệnh viện trên xứng đáng là mô hình điểm cho các cơ sở y tế khác học tập về công tác chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, mà người đồng hành khi sinh là một sáng kiến nhằm đảm bảo rằng sản phụ được chăm sóc tốt nhất, giúp sản phụ có một trải nghiệm sinh tích cực. Qua khảo sát sản phụ, tỉ lệ da kề da đủ 90 phút ở bệnh viện đạt hơn 90% trong cả sinh thường và sinh mổ, tỉ lệ trẻ bú sớm đạt 90%, và người đồng hành khi sinh là một nhân tố quan trọng để giúp bệnh viện đạt được tỉ lệ đó”.
Với những nỗ lực hỗ trợ tốt nhất có thể cho mẹ và bé, cả hai bệnh viện trên trở thành 2 trong 4 bệnh viện ở Việt Nam được Bộ Y tế công nhận Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc (sau Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, Bệnh viện đa khoa Trần Văn Thời, Cà Mau).
Thông tin từ Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết tại Việt Nam hiện có 28 bệnh viện tại 8 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk lắk, TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau tham gia dự án Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc.
Bình luận (0)