(TNO) Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, trong đó, tập trung nhiều ở một số khu vực như đồng bằng sông Hồng (3.673 người); đông Bắc 913 người; bắc Trung bộ 887 người; đông Nam bộ 3.200 người; đồng bằng sông Cửu Long 1.374 người; các khu vực khác là 1.189 người.
Số liệu trên được công bố tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (2003 - 2013), diễn ra hôm nay 19.12, tại Hà Nội. Hội nghị do Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội tổ chức.
Môi giới mại dâm qua Facebook
Các cơ quan chức năng nhìn nhận, trên thực tế, số người bán dâm còn cao hơn, do đây là hoạt động khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi, với nhiều hình thức trá hình.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cho hay, thực tế gần đây đã xuất hiện những đối tượng và hình thức mại dâm mới như du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, facebook... Tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy có xu hướng
gia tăng; đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau.
Hội nghị tổng kết 10 năm Pháp lệnh phòng, chống mại dâm - Ảnh: T.Hằng
|
Tệ nạn mại dâm đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội như nguy cơ lây lan các dịch bệnh xã hội,
HIV/AIDS qua đường
tình dục không an toàn...; hình thành những đường dây mua bán người vì mục đích mại dâm; tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm có chiều hướng gia tăng.
Sẽ trình Quốc hội Luật phòng chống mại dâm
Tại hội nghị, các địa phương được coi là điểm nóng về hoạt động mại dâm như TP.HCM, Hà Nội đã nêu một số bất cập trong công tác phòng, chống mại dâm, đặc biệt là hệ thống pháp luật về phòng, chống tệ nạn này.
Chẳng hạn, việc không đưa người bán dâm vào các trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động - xã hội, đã dẫn tới hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở thành phố chuyển từ trá hình sang hoạt động công khai, trên diện rộng, qua mạng internet; tình trạng mại dâm nam, đồng giới, chuyển giới chưa có quy định cụ thể để xử lý.
Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi Pháp lệnh phòng chống mại dâm và cho rằng Quốc hội cần sớm ban hành luật Phòng chống mại dâm; bổ sung các
chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm như bảo kê, khiêu dâm, kích dục, người đồng giới bán dâm…; ban hành chính sách hỗ trợ người bán dâm hoàn lương.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Việc phòng chống mại dâm không phải của riêng một cơ quan, một ngành, mà là của chung của xã hội. Kiên quyết xử lý tội phạm lợi dụng mại dâm để trục lợi bất chính”.
Trước những quy định về phòng chống mại dâm còn bất cập, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ sẽ bàn và trình Quốc hội luật Phòng, chống mại dâm, để đồng bộ với các luật khác, đảm bảo tôn trọng quyền con người.
Bình luận (0)