'Cả nước nhiều trường đào tạo ngành y nhưng đầu vào, chuẩn khác nhau'

03/02/2023 11:26 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện cả nước có nhiều trường đào tạo ngành y, tuy nhiên đầu vào, chương trình, chuẩn khác nhau nên cần có Hội đồng Y khoa quốc gia để đánh giá năng lực hành nghề.

Sáng 3.2, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của quyền Chủ tịch nước công bố luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường thứ 2 vừa qua.

Khoảng 10.000 y, bác sĩ tốt nghiệp hàng năm

Tại họp báo, trả lời báo chí về hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia khi Bộ trưởng Y tế hiện nay không phải là bác sĩ, song theo quy định lại kiêm nhiệm chủ tịch hội đồng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, hiện do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bận nhiều nhiệm vụ nên sau khi Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế thống nhất và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tạm thời giao cho ông là phó chủ tịch điều hành Hội đồng Y khoa quốc gia.

'Cả nước nhiều trường đào tạo ngành y, tuy nhiên đầu vào, chuẩn khác nhau' - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Thuấn thông tin tại họp báo sáng 3.2

NGỌC THẮNG

Theo Quyết định 956 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia quy định, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm nhiệm.

Ông Thuấn nhấn mạnh, Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, là cơ quan chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, có con dấu riêng. 

Hội đồng Y khoa quốc gia chủ trì, phối hợp tổ chức xã hội nghề nghiệp về khám bệnh chữa bệnh và cơ quan khác có liên quan đánh giá năng lực hành nghề.

Theo ông Thuấn, hiện Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch cụ thể, thống nhất xây dựng bộ câu hỏi, dữ liệu để làm cơ sở triển khai đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh.

Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ là đầu mối đánh giá năng lực, dựa vào các trường, bệnh viện, tổ chức xã hội nghề nghiệp về y tế cùng phối hợp triển khai. 

"Hàng năm, chúng ta có thể triển khai nhiều lần và tại nhiều điểm. Với lượng y, bác sĩ hiện tại tốt nghiệp hàng năm dự kiến khoảng 10.000 sẽ đủ sức để đánh giá. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là xây dựng chuẩn bộ câu hỏi đánh giá năng lực", ông Thuấn nói.

Nhiều cơ sở đào tạo ngành y chương trình, chuẩn khác nhau

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, trên thế giới có rất nhiều mô hình tổ chức hội đồng y khoa quốc gia. Nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh có hội đồng y khoa quốc gia độc lập với chính phủ. Nhưng cũng có mô hình năm trong Bộ Y tế, hoặc nằm trong Quốc hội. 

"Vì sao Việt Nam chúng ta chọn mô hình này? Vì hầu hết các nước đều có hội đồng y khoa quốc gia để đánh giá năng lực, tức là đánh giá đầu ra, trước khi cho bác sĩ nhân viên y tế hành nghề". 

"Hiện tại, trên cả nước có rất nhiều cơ sở đào tạo ngành y, tuy nhiên đầu vào khác nhau, chương trình đào tạo khác nhau, chuẩn khác nhau. Như vậy, nếu chúng ta làm không chặt đương nhiên chất lượng đầu ra sẽ có sự khác biệt", ông Thuấn lý giải, và dẫn ví dụ bác sĩ tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội, hay Y dược TP.HCM thường ra trường xin việc rất dễ; trong khi đó một số trường khác thì rất khó.

Bên cạnh đó, ông Thuấn cho hay, bác sĩ học 6 năm mới có kiến thức tối thiểu, để làm nghề được bắt buộc phải có thời gian thực hành. Như để khám phát hiện ruột thừa chỉ cần bác sĩ đa khoa nhưng để mổ được ruột thừa bác sĩ đa khoa không làm được mà phải học thêm các chuyên khoa, tương tự như ung thư. 

Thông thường, ở một số nước phát triển, học đa khoa mất 8 - 9 năm, thêm chuyên khoa tổng cộng 12 năm.

Theo ông Thuấn, đây là việc bắt buộc phải làm để từng bước nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và hội nhập quốc tế. Hiện tại, trong khu vực ASEAN còn mỗi Việt Nam và Brunei chưa có Hội đồng Y khoa quốc gia

"Phải từng bước nâng cao chất lượng để hội nhập quốc tế bác sĩ ở Việt cũng được công nhận để khám, điều trị ở một số nước", ông Thuấn nêu.


 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.