Chẳng bao lâu sau khi Starbucks bước chân vào thị trường TPHCM vào năm 2013, chuỗi cửa hàng cà phê địa phương Phúc Long trở thành thách thức trực tiếp đối với thương hiệu quốc tế, thời báo tài chính Financial Times viết.
Starbucks mở chi nhánh tại ngã tư chính trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM. Quán cà phê Phúc Long thì cách đó chỉ vài bước. Với logo chọn màu chủ đạo là xanh lá cây, trắng cùng nội thất đơn giản, hiện đại, Phúc Long bán cốc cà phê với mức giá thấp hơn đáng kể so với Starbucks.
Kể từ đó, nhiều chuỗi quán đồ uống Việt Nam tìm cách thu hút dòng khách hàng tiềm năng của Starbucks, xuất hiện tại các tòa nhà văn phòng lớn và các trung tâm mua sắm nội đô.
|
Ông Alain Cany, chủ tịch hãng Jardine Matheson, chủ sở hữu chuỗi nhượng quyền Starbucks tại Hồng Kông, tỏ ra không lo lắng trước tình hình này: “Khi lĩnh vực kinh doanh đồ ăn, thức uống trở nên rất cạnh tranh ở Việt Nam, Starbucks có tổng cộng 20 cửa hàng đang kinh doanh tốt ở TP.HCM và Hà Nội. Chúng tôi dự định mở thêm 30 chi nhánh khác trên khắp cả nước đến cuối năm nay”.
Dù vấp phải sự cạnh tranh từ nhiều chuỗi cà phê địa phương, Starbucks vẫn được tầng lớp thượng lưu - trung lưu Việt Nam nhận diện như một thương hiệu cao cấp. Thị trường cà phê ở Việt Nam thuộc hàng đa dạng nhất châu Á, với nhiều quán cà phê dạng riêng lẻ lẫn dạng chuỗi phục vụ có thực đơn phong phú, song vẫn còn tiềm năng tăng trưởng thêm.
Một cuộc khảo sát do Financial Times Confidential Research thực hiện năm 2015 trên 1.000 người tiêu dùng tại 5 nền kinh tế lớn nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trừ Singapore, cho thấy Việt Nam là quốc gia duy nhất Starbucks không chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng các chuỗi cà phê được người tiêu dùng ghé thăm nhiều nhất.
|
Starbucks lần lượt bị cà phê Trung Nguyên, Highlands Coffee và The Coffee Bearn vượt qua. Tờ báo Mỹ mô tả Trung Nguyên và Highlands Coffee là hai thương hiệu cây nhà lá vườn được yêu thích, với lần lượt 49% và 26% người được hỏi thường xuyên lui đến cửa hàng của hai thương hiệu này.
Ngược lại, tại các nước láng giềng như Philippines, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, Starbucks là cái tên dẫn đầu, vượt qua nhiều thương hiệu ngoại khác như Dunkin’ Donuts, McCafe và Coffe World.
Dù sức thống trị của Starbucks và nhiều chuỗi cà phê quốc tế khác trong khu vực đã thành hình, sự đi lên mạnh mẽ của các quán cà phê độc lập tại nhiều thành phố thủ đô Đông Nam Á đặt ra thách thức dài hạn cho các thương hiệu lớn và tiếng tăm.
|
Thủ đô Jakarta (Indonesia) là ví dụ điển hình. Dù tốc độ tiêu thụ cà phê trên đầu người ở đây tăng khoảng 5% mỗi năm, thấp hơn nhiều nước ASEAN và Đông Á, 3 chuỗi cửa hàng cà phê nội địa là Coffee Toffee, Ngopi Doeloe và Anomali Coffee tăng trưởng theo cấp số nhân. Các quán cà phê độc lập và khái niệm cà phê hữu cơ cũng bén rễ sâu. Xu hướng tương tự cũng được tìm thấy ở Kuala Lumpur (Malaysia), Manila (Philipines) và Bangkok (Thái Lan).
Financial Times nhận định Việt Nam và Indonesia có tiềm năng tăng trưởng dài hạn lớn nhất cho các ngành công nghiệp tiêu dùng đang nhằm mục tiêu vào Đông Nam Á. Nhân khẩu học thuận lợi và mức tiêu thụ cao trên đầu người là hai nhân tố tạo ra tiềm năng trên.
Dù vậy, Philippines vẫn là thị trường phát triển nhanh nhất khu vực cho ngành thức ăn nhanh, một phần nhờ sự thống trị mạnh của chuỗi cửa hàng địa phương nằm dưới sự quản lý của hãng Jollibee Foods và các doanh nghiệp nhỏ hơn như Max’s Restaurant. Không có nước nào trong khu vực ASEAN có các chuỗi thức ăn nhanh nội địa với quy mô lớn như thế.
tin liên quan
Cơ hội đầu tư cà phê chuỗi ở MyanmarMyanmar đang trở thành thị trường đầy tiềm năng cho giới đầu tư trong lĩnh vực chuỗi cửa hàng cà phê, đặc biệt là VN.
Bình luận (0)