Theo chuyên gia, các yếu tố truyền nhiễm, môi trường và lối sống đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Đặc biệt, chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến bệnh này.
Chính vì vậy, các nhà khoa học từ Đại học Y khoa Thiên Tân, Đại học Y khoa Nội Mông, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh mạn tính và bệnh không lây nhiễm quốc gia Trung Quốc, Phòng thí nghiệm trọng điểm về chuyển hóa lâm sàng khối u Liêu Ninh (Trung Quốc) đã thực hiện nghiên cứu mới nhằm mục đích khám phá mối liên quan giữa chế độ ăn uống và nguy cơ ung thư dạ dày.
Tổng cộng có 2.468 người tham gia nghiên cứu, trong đó có 696 trường hợp ung thư dạ dày và 1.772 trường hợp đối chứng. Tất cả những người tham gia được yêu cầu trả lời cho bảng câu hỏi tần suất dùng thực phẩm của mình.
Có 6 mô hình thực phẩm được đưa vào nghiên cứu, bao gồm:
1. Mô hình hương vị, tỏi và protein.
2. Mô hình thức ăn nhanh.
3. Mô hình rau và trái cây.
4. Mô hình thực phẩm ngâm chua, thịt chế biến và đậu nành.
5. Mô hình thực phẩm không thiết yếu gồm nhiều đồ ăn vặt và đồ uống có ga.
6. Mô hình cà phê và sữa.
Mối liên quan giữa chế độ ăn uống và nguy cơ ung thư dạ dày
Kết quả đã phát hiện mô hình thức ăn nhanh làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư dạ dày, mô hình thực phẩm không thiết yếu làm tăng 60% nguy cơ.
Ngược lại, có các mô hình giúp giảm nguy cơ ung thư dạ dày, như sau:
Mô hình hương vị, tỏi và protein giúp giảm 21,4 % nguy cơ ung thư dạ dày.
Mô hình thực phẩm ngâm chua, thịt chế biến và đậu nành giảm 19,6% nguy cơ ung thư dạ dày. Đối với mô hình này, các nghiên cứu trước đây cho thấy một số loại đồ muối chua có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, nhưng đậu nành lại chống ung thư dạ dày cực kỳ mạnh mẽ nên lấn át tác hại từ các thực phẩm khác.
Đặc biệt, nổi trội nhất là mô hình cà phê và sữa, với mức giảm nguy cơ ung thư dạ dày cao nhất, đạt đến 31%, theo Frontiers.
Tại sao cà phê và sữa có tác dụng đặc biệt này?
Các chuyên gia giải thích: Cà phê là hỗn hợp của các hoạt chất sinh học. Nó chứa các hợp chất phenolic và 2 lipid (cafestol và kahweol), các hợp chất này có thể ngăn chặn sự phát triển của ung nhờ đặc tính chống oxy hóa, chống độc tính gien, độc tính ty thể và điều hòa môi trường chống viêm.
Các sản phẩm từ sữa có chứa một số thành phần, bao gồm vitamin D, khoáng chất, canxi và axit linoleic liên hợp. Tác dụng bảo vệ của các thành phần này đối với bệnh ung thư dạ dày có thể là nhờ đặc tính chống khối u của chúng.
Các sản phẩm từ sữa lên men như phô mai và sữa chua có chứa vi khuẩn axit lactic, có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn H. pylori, bằng cách sản sinh ra các chất ức chế, bao gồm axit lactic và bacteriocin. H. pylori là tác nhân chính gây ra các bệnh về dạ dày, có thể dẫn đến ung thư dạ dày.
Tiêu thụ nhiều cà phê và sữa giúp giảm đến 31% nguy cơ ung thư dạ dày.
Bình luận (0)