Dù năm 2024 vẫn còn hơn 2 tháng nữa mới kết thúc, chuyên gia thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình vẫn chưa hết "choáng váng" với những kết quả mà ngành này đạt được. "Đây là một năm thần kỳ với ngành cà phê khi giá lên cao đến mức nằm mơ cũng không thấy. Trước nay, trên thị trường hàng hóa thế giới, người ta thường tập trung sự chú ý tới giá vàng. Cũng vì thế, từ đầu năm đến nay, vàng đã tăng giá tới 50%. Nhưng mức tăng này chưa là gì nếu so sánh với tốc độ tăng giá của cà phê là 150%. Đây có thể nói là mặt hàng tăng giá mạnh nhất trên thế giới trong năm nay", ông Bình nhận định.
Là người điều hành một trong những doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất khẩu cà phê lớn nhất VN, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (VICOFA), cũng thừa nhận: Trong 30 năm lăn lộn trong ngành cà phê, thì năm nay với ông vẫn là năm vô cùng đặc biệt vì nhiều bất ngờ chưa từng thấy. Thứ nhất, lần đầu tiên giá cà phê VN đắt nhất thế giới. Thứ hai, giá cà phê Robusta xuất khẩu cao hơn cà phê Arabica. Thứ ba, giá cà phê kỳ hạn trên sàn London vượt 5.000 USD/tấn và một số thời điểm vượt mốc 5.500 USD/tấn. "Nếu chỉ một vài năm trước, ai nói ra một trong những điều này sẽ bị cho là hoang tưởng", ông Nam ví von.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA, khẳng định: Niên vụ cà phê 2023 - 2024 là niên vụ có biến động giá cao và nhanh nhất từ trước đến nay. Do nguồn hàng xuất khẩu đã thiếu từ cuối vụ trước đó khiến giá cà phê tăng cao liên tục từ đầu vụ. Ngay từ đầu tháng 9.2023, giá cà phê nội địa của VN đã quanh mức 63.000 đồng/kg. Thời điểm cao nhất, giá cà phê đạt ở mức trên 125.000 đồng/kg. Biến động mạnh về giá nên đây cũng là một niên vụ gây nhiều khó khăn và rủi ro cho các DN trong việc thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, vượt qua những biến động mạnh trên thị trường, kim ngạch xuất khẩu cà phê của VN đạt mức cao kỷ lục 5,43 tỉ USD, tăng tới 33% so với cùng kỳ năm trước, dù sản lượng xuất khẩu giảm 12,7%. Nhiều DN đã tận dụng được cơ hội tốt để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Kết quả là có đến 7 DN đạt kim ngạch xuất khẩu trên 200 triệu USD, đặc biệt có DN đạt kim ngạch trên 500 triệu USD. Cà phê VN trong niên vụ qua đã xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó EU chiếm 41%, châu Á 21%, Mỹ 6%...
Những kết quả "thần kỳ" của ngành cà phê còn đặc biệt ấn tượng hơn khi đặt trong bối cảnh bị tác động mạnh từ sự bất lợi của thời tiết và cạnh tranh quyết liệt từ các cây trồng khác. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, niên vụ cà phê 2023 - 2024 vừa qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây nắng nóng kéo dài dẫn đến hạn hán khiến sản lượng cà phê một số vùng sụt giảm đáng kể như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk… Bên cạnh đó, trước năm 2022 giá cà phê xuống quá thấp nên người nông dân một số vùng đã chuyển đổi cây trồng sang sầu riêng và các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hoặc trong những vườn trồng xen canh thì số lượng cây cà phê giảm hẳn, diện tích ước tính khoảng 709.000 ha, còn VICOFA ước tính chỉ còn khoảng 600.000 ha.
Các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giá cà phê lên cơn sốt trong năm qua là do châu Âu lên kế hoạch áp dụng Quy định chống phá rừng (EUDR) từ ngày 30.12.2024. Vì thế, DN và nhà đầu cơ "ém hàng" góp phần tạo nên sự khan hiếm cà phê, gây sốt giá. Hiện nay một số cơ quan của EU đang có kế hoạch hoãn áp dụng quy định này, nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên dù có thực hiện ngay hay trì hoãn thêm 12 tháng thì VN vẫn là nguồn cung cà phê duy nhất thế giới sẵn sàng đáp ứng quy định này. "Bên cạnh những người muốn trì hoãn EUDR, hiện nay nhiều đối tác là DN ở châu Âu đã bỏ ra rất nhiều tiền để tuân thủ nó. Những DN này đã ký hợp đồng nhập khẩu cà phê có chứng nhận EUDR, dù EU có trì hoãn thì họ vẫn muốn mua cà phê có chứng nhận EUDR, vì trước sau gì quy định này cũng sẽ đi vào cuộc sống, thị trường. Đây là điều chúng ta có thể tin tưởng là giá cà phê VN tiếp tục duy trì mức cao nhất thế giới", ông Nam tự tin.
Giá cà phê cao ngất ngưởng đã giúp người trồng cà phê thắng lớn. Nếu như đầu niên vụ trước, giá cà phê khoảng 65.000 đồng/kg thì ở thời điểm hiện tại, giá cà phê quanh mức 110.000 đồng/kg. Ông Lý Thông Hạ (H.Di Linh, Lâm Đồng), một trong những nông dân trồng cà phê tiêu biểu của địa phương, có liên kết hợp tác với các DN lớn, cho biết: Vào thời điểm này, ngoài sầu riêng, bà con địa phương đang bắt đầu hái bói cà phê (tỉa những trái chín sớm). Do đang là cuối vụ sầu riêng nên giá cà phê rất tốt, trên 100.000 đồng/kg, mức cao nhất từ trước tới nay nên bà con rất phấn khởi. Theo ông Hạ, trước đây khi vào vụ, giá cà phê thường giảm, thậm chí giảm rất mạnh, có lúc chỉ còn 30.000 đồng/kg. Chính vì vậy mà nông dân thường bán cà phê non, tức nhận cọc bán khống trước khi cà phê chín và thu hái. Một phần tình trạng này là do áp lực kinh tế, cần tiền để xoay sở. Nay áp lực kinh tế gần như không còn với nhiều nông dân nên bà con thu về trữ lại chứ không ai bán sớm như trước kia.
"Chi phí đầu tư sản xuất một ký cà phê tối đa là 30.000 đồng. Nay bán được giá tới 100.000 đồng, bà con làm kém lắm cũng lãi 70.000 đồng/kg. Đây là tỷ suất lợi nhuận mơ ước với người nông dân", ông Lý Thông Hạ nói.
Tại thủ phủ cà phê Đắk Lắk, ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Công Bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột), hồ hởi cho biết: "Năm rồi giá cà phê đã cao thì năm nay lại còn cao hơn. Hiện tại giá cà phê quanh mức 110.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi năm ngoái. Một hecta cà phê năng suất khoảng trên 3 tấn, người dân cầm chắc lãi vài ba trăm triệu đồng. Không chỉ có cà phê mà trên cùng một mảnh vườn có sầu riêng, hồ tiêu và cà phê, thứ nào cũng trúng giá nên bà con rất phấn khởi. Nhờ giá cà phê cao nên nhà vườn tích cực chăm bón, tái canh, đầu tư giống mới. Cũng nhờ giá cà phê cao nên người dân không còn tâm lý bỏ cà phê chạy theo sầu riêng như trước kia".
Mới đây, tại hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2023 - 2024 và đánh giá thị trường niên vụ 2024 - 2025 do VICOFA tổ chức, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nhận xét: Trước đây người dân bỏ cà phê chạy theo sầu riêng và chanh dây. Thời gian gần đây, nhờ giá cà phê tăng nên diện tích cà phê đã dừng sụt giảm và tăng nhẹ trở lại. Phần diện tích tăng thêm rơi vào phần diện tích thu hẹp của cây cao su và hồ tiêu. "Chúng tôi có thể khẳng định như vậy qua theo dõi sự tăng trưởng mạnh của nhu cầu tiêu thụ cây cà phê giống. Cũng cần nói thêm là VN đang sở hữu những giống cà phê mới, chất lượng cao và năng suất tốt. Thời gian gần đây, một số nước đã đặt vấn đề nhập cà phê giống của VN về trồng", đại diện Cục Trồng trọt nói.
Trò chuyện với PV Thanh Niên chiều 26.10 từ Thái Lan, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO thương hiệu cà phê nông sản Meet More, cho biết đang tham dự triển lãm cà phê quốc tế trong vai trò là khách mời đặc biệt. "Khoảng 2 năm nay, năm nào Ban tổ chức triển lãm cà phê Thái Lan cũng mời chúng tôi với sự ưu ái như hỗ trợ miễn phí gian hàng. Mặc dù là sản phẩm mới nhưng cà phê Meet More đã được nhiều thị trường quốc tế đón nhận. Có khách hàng Thái Lan tìm gặp tôi nói rằng đã từng thưởng thức cà phê nông sản tại Phú Quốc và mua về làm quà cho đồng nghiệp và gia đình, nhưng sau đó tìm ở Thái Lan không thấy, đến dịp triển lãm này mới mua được. Năm nay tôi mở thêm được thị trường Trung Quốc sau khi có đối tác phân phối bắt tay cùng hợp tác. Nếu thâm nhập thị trường này thành công thì thương hiệu của chúng tôi sẽ tăng thêm uy tín, tạo đà phát triển trong tương lai", ông Luận tự hào.
Một thương hiệu cà phê lâu năm khác của VN là Trung Nguyên cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ trên thế giới bằng hệ thống phân phối của riêng mình. Chia sẻ với Thanh Niên, đại diện truyền thông của Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên cho biết: Hệ thống cửa hàng cà phê Trung Nguyên E-Coffee dự kiến sẽ bùng nổ mạnh mẽ từ nay đến năm 2025, xây dựng một hệ thống 3.000 cửa hàng trên cả nước và tại thị trường quốc tế, góp phần nâng tầm thưởng thức và không gian trải nghiệm cà phê VN. Không chỉ tập trung phát triển thị trường trong nước, cà phê Trung Nguyên Legend đang phát triển tại Mỹ, Trung Quốc và sắp tới là Úc… nhằm nâng tầm thưởng thức văn hóa cà phê VN và tạo dựng hình ảnh cường quốc cà phê VN của tập đoàn Trung Nguyên Legend.
Cụ thể, trong tháng 9 vừa qua, Trung Nguyên Legend đã liên tiếp khai trương 4 không gian Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend mới tại Thượng Hải, Vũ Hán, Yên Đài, Thiệu Hưng, nâng tổng số tại Trung Quốc lên 18 quán, trong đó có 7 quán tại Thượng Hải và 11 quán ở các tỉnh khác. Tất cả các không gian mới đều hiện diện tại các thành phố lớn, sầm uất, những trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa quan trọng của Trung Quốc, thu hút đông đảo khách nội địa và du khách quốc tế.
Đến cuối năm 2024, dự kiến có 25 không gian Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend mới khai trương tại VN, Trung Quốc, Mỹ, Úc... Song song, các mô hình Trung Nguyên Legend, Trung Nguyên E-Coffee cũng sẽ tiếp tục hiện diện mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa mục tiêu 100 quán tại Mỹ, 1.000 quán tại Trung Quốc, và nhân rộng tại Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai, Pháp, Đông Nam Á, các nước khác tại châu Á và châu Âu.
Để thực hiện được tham vọng này, Trung Nguyên đã triển khai các chương trình hợp tác nhượng quyền tối ưu cho khách hàng, tạo cơ hội hợp tác, khởi nghiệp bền vững, gia tăng về lợi ích kinh tế cho mọi đối tượng, đặc biệt những người trẻ mới bắt đầu, hay tái khởi nghiệp, muốn chuyển đổi sang mô hình chuyên nghiệp hơn.
Cùng chính sách nhượng quyền 0 đồng được duy trì, Trung Nguyên E-Coffee cung cấp 5 gói chuyển đổi chỉ từ 56 - 196 triệu đồng, và 6 gói đầu tư theo các phong cách thiết kế với chi phí từ 65 - 245 triệu đồng. Đồng thời, có thiết kế linh hoạt, tối ưu hóa cho mọi địa điểm với diện tích mặt bằng chỉ từ 4 m2, đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh và năng lực tài chính cho cộng đồng giới trẻ.
Bình luận (0)