Cà ràng của ngoại

19/07/2012 08:41 GMT+7

Hôm rồi, bà ngoại làm cho con cháu một bữa hết hồn. Tự nhiên ngoại bỏ cơm, nằm quay mặt vô vách, ai hỏi gì ngoại cũng làm thinh. Tra hỏi nhau một hồi cả nhà mới phát hiện được lý do. Thì ra ngoại giận vì cái cà ràng cũ kỹ của ngoại bị dẹp đi đâu mất.

Chị hai lâu lâu về thăm nhà, thương ngoại chụm củi cực nên mới mua cái bếp ga mới thay cho cái cà ràng. Nhưng ngoại đâu có chịu! Mà không có cái cà ràng ám khói đen hù của ngoại, gian bếp hình như cũng thiếu đi cái gì đó. Thiếu cái cà ràng, chắc ngoại khó nấu được những bữa cơm ngon như từ trước tới nay. Miếng cơm cháy nấu trong nồi cơm điện sao giòn rụm, vàng ươm được như ngoại chụm bằng bếp củi. Không nấu bằng cà ràng nữa sao ngoại có than để lùi khoai lang cho mấy đứa cháu cưng...

Lùi lại quá khứ xa xa, tuổi thơ tôi lớn lên bên cái cà ràng trong gian bếp ấm cúng của ngoại. Ba má đi làm tối ngày, đứa cháu quấn bà như gà con đeo sát bên chân gà mẹ. Tôi thường tiếp ngoại gom tàu dừa, cành cây khô trong vườn để dành làm củi chụm. Nhớ cái âm thanh lép bép, vui tươi của củi cháy trong lò; cả những tiếng kêu xèo xèo khi củi còn ướt. Những ngày mưa gió, thích nhất là được ở gần cái cà ràng coi ngoại nấu cơm. Cả gian bếp sực lên mùi củi lửa, mùi khói, mùi thơm của đồ ăn nóng hổi. Tôi nhớ hoài hình ảnh ngoại, lúc khuôn mặt bà tươm những giọt mồ hôi hạnh phúc, đôi mắt ánh lên niềm vui khi được nấu những bữa cơm ngon cho con, cho cháu.

Nấu bằng cà ràng coi vậy chớ cũng phải biết cách. Người phụ nữ khéo léo thì cách chụm củi, thổi lửa cũng thể hiện được nét duyên. Lúc nấu phải biết thêm củi, điều chỉnh lửa sao cho phù hợp để nồi cơm, nồi canh, ơ cá kho… vừa chín tới ngon lành.

Bà ngoại đảm đang nên căn bếp cũng gọn gàng. Củi to, củi nhỏ ngoại sắp xếp cẩn thận, lá dừa vô bó láng vo. Cái cà ràng luôn được ngoại cời tro gọn ghẽ. Hồi xưa đâu có được nhiều loại nước tẩy rửa như bây giờ. Nấu củi nên nồi, chảo thường dính đầy lọ nghẹ. Vậy là vài ba bữa ngoại lại lấy tro bếp quậy thêm với chút xà bông chùi nồi, chảo trắng bóng.

Rồi cả nhà cũng đành “chịu thua”, đem trả cái cà ràng về lại chỗ cũ. Người già là vậy đó! Được chăm sóc, được giúp đỡ con cháu là niềm vui khi tuổi đã về chiều. Có lẽ chính những điều như thế làm ngoại sống mạnh khỏe suốt mấy chục năm qua. Cái cà ràng thuộc về ngoại. Ngọn lửa đỏ ngoại vẫn nhóm mỗi ngày để con cháu dù có đi xa, còn trông thấy đó mà biết đường về.

Hương Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.