Danh ca Ngọc Sơn xem khán giả như những người thân thương trong gia đình |
TL |
Nhắc đến danh ca Ngọc Sơn, khán giả nhớ đến câu nói quen thuộc: “Tấm thân nhỏ bé xin kính chào đại gia đình". Chia sẻ về điều này trong chương trình Lời tự sự, nam khách mời cho biết khi đi hát, được khán giả cổ vũ nhiệt tình, bản thân ông không giấu được niềm xúc động. Thậm chí, tác giả Tình cha bật khóc vì sự yêu thương này và từ đó, ông xem khán giả là đại gia đình của mình. “Từ cuối thập niên 1990, tôi nói với mọi người rằng nhìn họ như đại gia đình của mình. Bao nhiêu phong trào âm nhạc phát triển mà tôi cảm nhận mọi người vẫn yêu thương tôi. Tình cảm đó ngày càng thắm thiết khiến tôi cảm động và gọi như vậy".
Ngọc Sơn kể những ngày đầu khi gọi như vậy, có nhiều người khuyên ông nên xem lại vì “lỡ có nhiều người không xem mình là gia đình, không thích mình thì sao". Song đối với nam nghệ sĩ thì "miễn sao mình thích là được". “Từ những tình cảm đó, từ ánh mắt, nụ cười nên tôi trân trọng gọi mình là tấm thân nhỏ bé. Vì khi người ta yêu thương mình bao nhiêu thì mình càng cảm thấy nhỏ bé trước tình thương bao la mà mọi người dành cho", ông bộc bạch.
Mẹ từng không muốn Ngọc Sơn theo ca hát vì sợ khổ |
TL |
Ngọc Sơn kể ông sinh ra ở Đồ Sơn, có cha là trưởng đoàn văn công Quân khu 5, mẹ là giáo viên dạy học. Sau giải phóng, ông theo đấng sinh thành vào sinh sống ở Tam Hải. Nhớ lại khoảng thời gian đó, nam khách mời kể: “Nhà tôi lúc đó ngay biển. Đêm đến, rét quá thì cha choàng áo cho tôi. Lúc đó, tôi chỉ biết nằm khóc thôi”. Ngọc Sơn nói thêm chính khoảng thời gian đó đã mang lại cho ông nhiều cảm xúc và trở thành chất liệu để viết nên ca khúc Tình cha với những câu hát chạm vào trái tim người nghe như: “Còn nhớ những ngày ấy/ Những đêm trường giá lạnh/ Và cha nằm ôm con sưởi ấm những canh dài".
Từ bé, Ngọc Sơn đã có niềm đam mê dành cho âm nhạc. Tuy nhiên khi ông lớn lên, mẹ lại muốn hướng con theo ngành khác vì sợ con trai sẽ khổ. Nam nghệ sĩ bày tỏ: “Chị thì đã là bác sĩ giỏi, Ngọc Hải thì làm kinh tế, Ngọc Hà theo lĩnh vực kinh doanh còn tôi vẫn thích làm tấm thân nhỏ bé”. Trước tình huống này, Ngọc Sơn quyết tâm xin lên học nhạc kèm theo lời cam kết sẽ làm theo điều mẹ muốn nếu thấy bản thân không phát triển được với nghề. “Cuối năm 1987, tôi bước lên sân khấu và trở thành hiện tượng", ông nhớ lại.
Nam nghệ sĩ thấy "hài lòng với tất cả những gì đến và đi trong cuộc sống" |
TL |
Ngọc Sơn kể thêm để có được thành công, ông cũng phải trải qua khoảng thời gian khó khăn. Nam khách mời nhớ lại: “Kể ra thì rất dài. 6 tháng tôi ngồi chờ đợi xem có ca sĩ nào đi hát chưa về kịp thì mình hát trám chỗ. Mình đưa thẻ sinh viên của viện nghiên cứu, các nhạc sĩ nói cái này thiếu gì, bằng tốt nghiệp người ta còn chưa thấy gì chứ này còn đang đi học. Nhưng lớp của tôi là lớp đặc biệt nghiên cứu về âm nhạc dân tộc và âm nhạc thế giới. Tôi có lợi thế vì biết nhiều thứ tiếng và biết được cách phát âm”. Nhờ những tháng ngày nỗ lực không ngừng đó, nam khách mời từng bước được khán giả chú ý và trở thành một ca sĩ đình đám như hiện tại.
Ngọc Sơn chia sẻ ở thời điểm hiện tại, ông cảm thấy bình yên, hài lòng với tất cả những gì đến và đi trong cuộc sống và “không oán trách điều gì". Ông tâm sự: “Về cuộc sống, tình cảm, tôi trước giờ vẫn là thế. Gia tài của tôi là âm nhạc, tình cảm của đại gia đình và một sức khỏe trời cho. Ngày xưa nhảy một chút là tôi thở liền, còn bây giờ tôi nhảy được hoài".
Bình luận (0)