Ca sĩ thời nay không cần hát rõ lời?

16/09/2022 07:05 GMT+7

Phải tròn vành rõ chữ hay luyến láy theo cảm xúc cho hợp với các thể loại nhạc hiện đại là điều nhiều người trong giới nhạc lẫn khán giả đang tranh cãi, giữa bối cảnh một thế hệ ca sĩ trẻ đang nổi hiện nay hát tiếng Việt không rõ lời.

Không hiểu ca sĩ trẻ đang hát gì nếu không có... phụ đề

Gần đây, nhiều khán giả bày tỏ ý kiến không đồng tình với thực trạng chung của các ca sĩ trẻ thời nay về cách hát không rõ lời, phát âm sai tiếng Việt, hát nuốt chữ, lướt dấu, lướt âm, hát live không tốt khiến người nghe không hiểu đang hát gì... Một số ca sĩ trẻ nổi bật như: Amee, Min, Hoàng Duyên, Mỹ Anh, Tlinh, Wren Evans, Mono..., hay cả ngôi sao như Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi, Hoàng Thùy Linh, Erik, Trịnh Thăng Bình… cũng từng dính vào những tranh cãi xoay quanh câu chuyện phát âm khó nghe trong các sản phẩm âm nhạc. Đây không hẳn là yếu tố bẩm sinh của chất giọng, mà có thể chính những ca sĩ trẻ này đang muốn “bẻ lái” để giọng hát của mình trở nên khác lạ, nghe có vẻ “Tây” hơn (?).

Tôi không cổ hủ, nhưng với tôi, hát là phải để khán giả nghe được mình hát gì.

Ca sĩ Ánh Tuyết

Việc ca sĩ hát không rõ lời không chỉ khiến công chúng khó cảm nhận hết cái hay của ca từ, vẻ đẹp của tiếng Việt, mà còn mang lại cảm giác khó chịu khi thưởng thức. Trên mạng xã hội hiện có rất nhiều bàn luận về việc hát như thế nào là rõ lời. Nói nôm na, hát rõ lời là làm thế nào để người ta biết mình đang hát gì; ca sĩ Việt hát tiếng Việt mà khiến người ta không hiểu mình đang hát gì nghĩa là không rõ lời.

Thực tế, cách hát “tự nhiên, nhẹ như hơi thở với chất giọng lướt lướt, luyến láy, đãi giọng…” đang ngày càng phổ biến trong một số ca sĩ trẻ, nhất là thế hệ Gen Z. Tuy nhiên khi bị lạm dụng, cách hát này dẫn đến hệ lụy ca sĩ hát không rõ lời, thậm chí phát âm sai chuẩn ngữ âm tiếng Việt. Ca khúc Hãy trao cho anh hát bằng tiếng Việt của ca sĩ Sơn Tùng M-TP hai năm trước lập được nhiều cột mốc kỷ lục trên thế giới, nhưng đã bị khán giả Việt than phiền không nghe rõ lời bài hát, không hiểu nội dung ca khúc nếu không xem phần lời chạy phụ đề trong MV.

MV đầu tay Quên anh đi của Mono cũng bị cho là không rõ lời. Với MV Mê của Hoàng Duyên, gần như khán giả chỉ nghe cô thều thào. Ca sĩ Amee khi hát live Shay nắng cũng bị nhận xét hát tiếng Việt như... tiếng Thái.

Amee với MV có tựa Shay nắng - cách nói chơi chữ cố ý để sai cả tiếng Việt

Tôn trọng màu sắc riêng, nhưng phải hát chuẩn tiếng Việt

Trần Thu Hà là ca sĩ thành danh, cũng có cách hát “biến báo” theo đúng “gu” các thể loại nhạc quốc tế, nhưng luôn được nhận xét là dù hát bài gì, dòng nhạc nào thì đều hát rất rõ lời. Mới đây, chính Trần Thu Hà đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về cách hát của ca sĩ trẻ thời nay: “Tiếng Việt không như tiếng Anh. Hát như ngậm cục gì trong mồm thì nghe không ổn chút nào. Nhiều bạn hát như ngậm kẹo, hát nhòe, nghe cũng rất ngọt ngào. Nhưng hát tiếng Việt mà nghe lùng bùng như hát tiếng Tây, với tôi, là không ổn. Đáng nói là có nhiều bạn vẫn hát rõ được như bình thường, mà ngọng cho đúng trendy (hợp thời trang, xu hướng thịnh hành)”.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nhận định: “Thế hệ ca sĩ trẻ, đặc biệt Gen Z chịu ảnh hưởng nhiều từ âm nhạc Hàn Quốc, Âu - Mỹ, nên cách phát âm của ca sĩ khi hát cũng bị ảnh hưởng theo, thường có xu hướng lướt, nối chữ, phiêu… dẫn đến không rõ lời, và cả lý do ca sĩ có giọng hát yếu nên lấp khuyết điểm bằng cách “o ép” phát âm. Hoặc chính giai điệu, tiết tấu nhanh của ca khúc cũng là yếu tố khiến khán giả gặp khó khi nghe cho kịp lời. Nếu khán giả chấp nhận thì ca sĩ vẫn có đất sống, còn không, họ buộc phải thay đổi”.

Trong MV Mê, Hoàng Duyên lạm dụng giọng mũi và lối hát luyến láy lướt chữ

Một vài nhạc sĩ bênh vực (đề nghị không nêu tên) với lý lẽ “họ hát không rõ lời là vì có những bài hát chỉ cần giai điệu hay, giúp khán giả phiêu theo được là đủ”. Ca sĩ Mỹ Linh cũng cho rằng: “Không nên đưa ra thước đo nào để dành cho tất cả. Nghệ thuật là sự cân đối giữa việc hát rõ lời và truyền đạt cảm xúc. Khán giả cần nghe rõ lời nhưng không nhất thiết phải hát kiểu rành mạch như tập đọc lớp 1. Để hát rõ lời cần hát tròn vành rõ chữ, nhưng có những người dù không cần hát tròn vành rõ chữ, vẫn rõ ràng được đang hát gì. Điều này hoàn toàn chấp nhận được, miễn là bài hát tạo cảm xúc cho người nghe và khán giả vẫn hiểu ca sĩ đang hát gì. Ca sĩ đi làm nghề thì màu sắc riêng của mỗi giọng hát quan trọng hơn, tức là phải có kỹ thuật trộn với tính cá nhân để ra được màu sắc riêng”.

Ca sĩ Ánh Tuyết nêu quan điểm: “Lớp trẻ sau này nghe và hát nhạc ngoại nhiều hơn trước, nên khi hát theo cách bắt chước tiếng nước ngoài không dấu vào tiếng Việt sẽ bị trệu trạo không rõ chữ rõ lời, hoặc sẽ làm thay đổi cả ngữ nghĩa câu hát, bởi một từ tiếng Việt lên cao xuống thấp, hay phát âm lệch là khác nghĩa liền. Nếu cho đó là cách hát mới của ca sĩ trẻ thời nay và xem đó là hay, là hợp thời, là văn minh, mới lạ thì sẽ kéo theo nhiều thế hệ ca sĩ mới khác sau này chạy theo hát lệch như vậy. Các ca sĩ trẻ phải rèn luyện lâu dài, tự điều chỉnh, tìm tòi học hỏi thêm để phải hát chuẩn tiếng Việt. Tôi không cổ hủ, nhưng với tôi, hát là phải để khán giả nghe được mình hát gì”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.