Cá sơn được ngư dân liệt kê vào hàng cá trũ (những loại cá đánh bắt bằng lưới ven sông như cá mại, cá móm, cá luối...). Cá sơn có kích thước cỡ chừng ngón tay cái, thân hình thoi, màu trắng trong suốt, da có vảy nhỏ, thịt mềm.
Theo kinh nghiệm dân gian, cá sơn thịt ngon, tính hàn, không những chế biến được nhiều món mà còn giúp bồi bổ cơ thể. Vào mùa cá sơn, người dân đánh bắt đưa vào bờ, đong từng chén cho cư dân trong làng với giá khoảng 10.000 đồng mỗi chén, cốt để chia nhau sản vật mùa nước lụt.
Cá sơn mua hoặc bắt về còn búng tưng tưng, để nguyên con ngâm liền rồi xả nước muối, chà sát bằng rổ tre cho sạch vảy, sạch chất nhớt, rong rêu. Người nấu nên biết cách chế biến cá sơn thành nhiều món. Đơn giản nhất là rán giòn chấm nước mắm chanh ớt tỏi hoặc nấu canh khế, vừa ăn vừa hít hà xuýt xoa.
Muốn lạ miệng thì thêm chút thời gian làm gỏi hoặc xâu từng con mang đi nướng. Rồi mùa nước lụt, cái lạnh căm căm buộc phải có món gì mặn mặn làm chủ lực cho mâm cơm, lại phải nghĩ tới món cá sơn kho lá nghệ là tuyệt nhất.
Ở quê, nhà nào cũng có sẵn trong vườn vài bụi nghệ, dùng lấy củ và lấy cả lá kho cá như một loại gia vị, giúp nồi cá thêm thơm nồng nàn. Rửa cá xong để ráo nước, ướp chút đường, muối, ớt, nghệ tươi, tiêu... chừng mười lăm phút.
Lót dưới đáy nồi một lớp dày lá nghệ rồi xếp cá lên trên, rải thêm một vài lát ớt cắt mỏng. Làm món cá sơn kho, nhớ phải đổ nước lạnh xâm xấp vào nồi rồi mới đun, như vậy xương cá mềm hơn. Đợi mẻ cá sôi bùng, hạ lửa thật nhỏ, xốc nhẹ mẻ cá đôi ba lần. Nước cá chỉ còn sền sệt, thêm ít tiêu xay nhuyễn và tắt lửa.
Bữa cơm quê càng thêm ấm cúng với đĩa cá sơn kho lá nghệ làm tâm điểm bên cạnh đĩa rau lang luộc hoặc tô canh khoai từ. Đừng quên chuẩn bị chén nước mắm nguyên chất dằm vài trái ớt xiêm, chắc chắn món cá sơn kho sẽ được thêm “điểm cộng” vì loại ớt trái nhỏ xíu mà rất cay này càng giúp tăng hương vị đậm đà của món ăn dân dã...
Bình luận (0)