Cá tra, cá ngừ có thể hưởng lợi từ thương chiến?

15/02/2025 14:50 GMT+7

Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam là cá tra và cá ngừ có cơ hội xâm nhập sâu vào thị trường Mỹ vì nước này áp thuế với sản phẩm cùng loại xuất xứ Trung Quốc.

Thương chiến khiến thị trường cá thịt trắng thay đổi hoàn toàn

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn nguồn từ Viện Thủy sản quốc gia Mỹ (NFI), cho biết: Tại Mỹ, cá rô phi Trung Quốc chiếm đến 70% sản lượng cá thịt trắng. Việc Mỹ áp thuế 25% với sản phẩm cá rô phi Trung Quốc sẽ khiến ngành này thay đổi hoàn toàn trong năm 2025. Sản phẩm cá rô phi từ Indonesia và cả cá tra từ Việt Nam sẽ có cơ hội lớn tại thị trường Mỹ. 

Cá tra, cá ngừ có thể hưởng lợi từ thương chiến?
- Ảnh 1.

Sản phẩm cá tra của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng mạnh tại thị trường Mỹ trong năm 2025 do thị phần cá rô phi giảm

ẢNH: CHÍ NHÂN

"Trong những năm gần đây, cá tra đã liên tục gia tăng thị phần so với cá rô phi tại Mỹ. Dự báo cá tra có thể sẽ thay thế phần lớn thị phần cá rô phi vào năm 2025", theo NFI.

Cá tra và cá rô phi cùng nằm trong nhóm sản phẩm cá thịt trắng. Ông Ron Risher, Tổng giám đốc điều hành của Grobest Seafood Global, nói rằng ngành cá rô phi toàn cầu có quy mô khoảng 7 triệu tấn/năm tập trung ở Trung Quốc, Indonesia, Ai Cập và Ấn Độ. Trước chính sách thuế quan mới của Mỹ, một số quốc gia đã bắt đầu định vị chiến lược của mình và Indonesia là nước đi đầu. Cá tra Việt Nam cũng đang chuẩn bị để tận dụng động lực từ thị trường đang thay đổi.

Cuối năm 2024, Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận giải quyết vụ tranh chấp liên quan đến thuế chống bán phá giá đối với cá tra, basa tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là một cơ hội cho ngành cá tra Việt Nam mở rộng xuất khẩu cá tra một cách ổn định bền vững hơn sang thị trường Mỹ với các sản phẩm chất lượng và bền vững.

Cá tra, cá ngừ có thể hưởng lợi từ thương chiến?
- Ảnh 2.

Cá tra là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam trong nhiều năm qua

NGUỒN: VASEP

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 1.2025 đạt 75 triệu USD, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều thị trường ghi nhận tăng trưởng nhẹ như: Mỹ, EU, Brazil, Singapore...

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ từ năm 2019 đến nay không thể tăng trưởng mạnh do vẫn vướng thuế chống bán phá giá. Trong 6 năm liên tiếp vừa qua, Trung Quốc chính là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu cá tra Việt Nam.

Năm 2024, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt kim ngạch 2 tỉ USD tăng 10% so với năm 2023. Trong đó, thị trường Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 581 triệu USD tăng 1%, Mỹ đứng ở vị trí thứ 2 với 345 triệu USD tăng trưởng 27%.

Thương chiến cũng giúp cá ngừ Việt Nam có thêm cơ hội 

Cá ngừ, ngành hàng xuất khẩu tỉ đô của Việt Nam cũng có cơ hội từ thương chiến. Năm 2024, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt kim ngạch 989 triệu USD, tăng 17% so với năm 2023. Mỹ đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng trên 39%. Đối với Mỹ, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 sau Thái Lan.

Cá tra, cá ngừ có thể hưởng lợi từ thương chiến?
- Ảnh 3.

Sản phẩm cá ngừ dự báo cũng tăng trưởng mạnh

ẢNH: CHÍ NHÂN

Năm 2024 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng liên tục với kim ngạch gần 400 triệu USD. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh của Việt Nam sang Mỹ có xu hướng tăng trưởng liên tục. Trong năm qua, Mỹ có xu hướng giảm nhập khẩu cá ngừ đóng hộp từ Mexico, tăng nhập khẩu từ Việt Nam. Đặc biệt với các sản phẩm cá ngừ đóng hộp dành cho phân khúc dịch vụ thực phẩm (nhà hàng, dịch vụ ăn uống...), Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường Mỹ.

Theo các chuyên gia, nếu Mỹ hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc thì đương nhiên sẽ phải tăng nhập khẩu từ các nước khác, trong đó Việt Nam là một quốc gia có lợi thế cạnh tranh. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường cá ngừ Mỹ.

Một trong những mặt hàng chủ lực là sản phẩm cá ngừ đóng hộp. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2024 xuất khẩu cá ngừ đóng hộp lần đầu cán mốc 299 triệu USD, tăng 17% so với năm 2023. Các sản phẩm này đã xuất được sang hơn 80 nước trên thế giới; 5 thị trường chủ lực là: Mỹ, Israel, Đức, Liban và Ai Cập chiếm trên 62% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.