Cả trăm hộ dân Hà Tĩnh sống bất an bên miệng 'hà bá'

18/11/2019 09:34 GMT+7

Nhiều năm nay, khoảng 100 hộ dân ở xã Sơn Long (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) sinh sống bên bờ trái sông Ngàn Sâu luôn nơm nớp lo sợ vì con sông này đang mỗi ngày mỗi ăn sâu vào bờ, sát ngay cạnh nhà dân.

Bà Trần Thị Hồng Thiêm (74 tuổi, ngụ thôn 4, xã Sơn Long) cho biết, để ngăn chặn sạt lở bờ sông đoạn qua địa phận từ thôn 1 đến thôn 4 của xã, vào năm 2005, nhà nước cấp kinh phí cho chính quyền địa phương xây dựng bờ kè ven sông bằng đá dài 2 km. Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, công trình này hiện trở nên yếu ớt vì phần chân kè đã bị sông “ngoạm” đứt. “Trước đây phần chân kè bao ra tận giữa dòng sông, nhưng bây giờ bị sạt lở trôi sông hết rồi. Chân kè bị mất kéo theo bờ sông bị lở, đất đai trôi tụt hết xuống sông. Nhiều đoạn bờ kè giờ chỉ còn lại một đoạn ngắn trên phần tiếp giáp với con đường trước nhà dân nên chúng tôi vô cùng bất an”, bà Thiêm lo lắng.
Bà Cù Thị Hòa (50 tuổi) ở gần nhà bà Thiêm, nói rằng trước đây gia đình bà có mảnh vườn trước nhà, nằm phía ngoài bờ kè nhưng đã bị sông “ăn” hết từ nhiều năm trước. Dù mất đất sản xuất nhưng ngày đó bà vẫn chưa lo lắng lắm vì nghĩ rằng nhà cửa sẽ an toàn vì bên trong có bờ kè kiên cố ngăn chặn việc sạt lở. Chỉ đến khi bờ kè không còn trụ vững được với nước sông thì bà Hòa mới “mất ăn, mất ngủ”, vì nhà chỉ còn cách bờ sông bằng một con đường rộng chưa đến 5 m.
Khoảng 10 năm trước, anh Đoàn Thanh Long (40 tuổi, ngụ thôn 1, xã Sơn Long) xây dựng ngôi nhà cấp 4, cách mép sông khoảng 20 m. Còn bây giờ, nhà anh chỉ cách mép sông chưa đến 4 m nên có thể đổ ập xuống sông bất cứ lúc nào. Nguy hiểm là vậy nhưng vợ chồng anh Long và 2 đứa con vẫn đang cầm cự ở lại, “treo” tính mạng mình bên miệng “hà bá”. “Gia đình tôi nằm trong diện buộc phải di dời khẩn cấp và được chính quyền địa phương cấp cho một miếng đất ở nơi khác để sinh sống. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn, không có tiền để xây dựng nhà mới nên vợ chồng tôi đã xin xã cho ở lại thêm một thời gian nữa vì không còn cách nào khác”, anh Long tâm sự.
Sự lo lắng, bất an của 3 hộ dân nói trên cũng là tâm trạng chung của tất cả các hộ dân ở xã Sơn Long có nhà nằm sát bờ sông Ngàn Sâu. Họ lo rằng nếu bờ kè không sớm được tu sửa lại thì sớm muộn gì nhà dân cũng bị sông cuốn trôi.
Trao đổi với phóng viên, ông Thái Vỹ Tuyến, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho hay toàn xã có khoảng 100 hộ dân ở thôn 4 sinh sống dọc theo bờ sông Ngàn Sâu, thì tất cả đều có đất đai, nhà cửa nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở. Đáng lo hơn cả, là hiện có 2 hộ dân ở thôn 1 và thôn 4 nhà cách mép sông chỉ ít bước chân nên vô cùng nguy hiểm. Mặc dù đã được chính quyền địa phương cấp đất nơi khác để xây dựng nhà ở nhưng 2 hộ gia đình này đến nay vẫn chưa chịu rời đi. Vì vậy, vào mùa mưa bão, chính quyền xã phải huy động lực lượng di dời 2 hộ này và nhiều hộ dân khác có nhà sát bờ sông đi đến nơi khác trú ẩn để đảm bảo an toàn.
“Nguyên nhân khiến bờ sông sạt lở là do địa chất ở đây yếu và đất chủ yếu là cát pha, dễ tan nhanh trong nước. Cứ mỗi mùa mưa bão đi qua thì sông lại lấn thêm vào bên trong đất liền. Bờ kè ven sông sau nhiều năm đưa vào sử dụng nhưng hiện nay đã xuống cấp hư hỏng, không thể bảo vệ được bờ sông như trước. Xã cũng đã nhiều lần đề xuất với cấp trên cấp kinh phí xây dựng lại bờ kè nhưng do huyện chưa tìm được nguồn để bố trí nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện được”, ông Tuyến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.