Cả trời thương nhớ từ những bài thơ sách tập đọc xưa

17/05/2018 16:03 GMT+7

' Quýt nhà ai chín đỏ cây. Hỡi em đi học hây hây má hồng '. Hay ' Bút chì xanh đỏ, em gọt hai đầu ...', những vần thơ trong sách tập đọc xưa đã gắn bó với bao thế hệ học sinh mang về một trời kỷ niệm.

Chị Phùng Diễm, 38 tuổi, cựu sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội, đang kinh doanh ở làng đào Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội, khoe cả một bộ sưu tập sách tập đọc lớp 1, lớp 2 gắn liền với tuổi thơ của mình và nhiều học sinh thế hệ 8X, 9X ngày nào. Không chỉ vậy, chị Phùng Diễm còn tới thư viện quốc gia tại phố Tràng Thi tìm những cuốn sách giáo khoa các môn khác của lớp 2, đồng thời tìm những người bạn sưu tầm sách mua lại những cuốn mình chưa có.
“Tôi thích sách, báo ngày xưa. Tôi đọc thuộc các bài thơ trong sách tập đọc lớp 1, lớp 2. Bây giờ những cuốn sách, báo đó vẫn giúp tôi có thể dạy các con nhiều điều”, chị Phùng Diễm chia sẻ với Thanh Niên.
Còn ai nhớ những trang sách giáo khoa xưa? Phùng Diễm
Trong sách có cả câu đố Phùng Diễm
Nói về những bài thơ, áng văn giản dị với những hình minh hoạ mộc mạc, chị Phùng Diễm bồi hồi: “Mỗi bài thơ, bài văn khi đọc lại đều khiến tôi cảm thấy xúc động. Mỗi bài thơ gắn liền với một câu chuyện của tôi ngày đó, ví dụ bài “Mẹ mẹ ơi cô dạy. Phải giữ sạch đôi tay. Bàn tay mà giây bẩn. Sách áo cũng bẩn ngay” làm tôi nhớ đến ngày xưa mẹ nhắc khi mình bắt đầu viết bút mực năm lớp 1. Bài Cây bàng làm tôi nhớ đến gốc bàng ở trường cũ, bài Gửi lời chào lớp 1 làm tôi nhớ về lớp học tại 1 nhà thờ họ mà chúng tôi học ké ở đó suốt 1 năm…”.
Trong tâm trí chị Nguyễn Thu Hà (28 tuổi, cựu sinh viên khoa Lịch sử, Trường đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội) đến bây giờ vẫn còn nguyên cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến khi nghe ai đó nhắc đến những vần thơ xưa.
“Tôi lên mạng và tình cờ thấy những trang sách mình từng học khi 6, 7 tuổi. Cả một trời thương nhớ ùa về. Tôi thấy bài “Cái gậy có một chân. Biết giúp bà khỏi ngã. Cái compa bố vẽ. Có chân đứng chân quay. Cái kiềng đun hàng ngày. Ba chân xoè trong lửa. Chẳng bao giờ đi cả. Là chiếc bàn bốn chân. Riêng cái võng Trường Sơn. Không chân đi khắp nước. Đó là bài thơ tôi từng đọc ra rả mỗi tối cho bà nội nghe thời thơ ấu. Bà nội mất rồi, bài thơ cũng lâu lắm rồi tôi mới ngân nga lại”, chị Hà ngậm ngùi…
Hình vẽ mộc mạc dễ thương trong sách giáo khoa xưa Phùng Diễm
Chị Diễm sưu tầm sách xưa để dạy con Phùng Diễm
Thầy Trần Cao Duyên, giáo viên dạy văn tại tỉnh Quảng Ngãi, cho hay bản thân thầy cũng lưu luyến những bài thơ, bài văn từng học thời tiểu học, có bài thầy đọc thuộc làu.
Theo thầy Duyên, “những bài thơ, bài văn đó hay, ý nghĩa sâu sắc, giản dị, chạm tới tâm lý độ tuổi”, đó là một trong những lý do các tác phẩm văn học thời đó sống mãi theo thời gian...
Không phải thầy giáo, công việc hiện tại cũng không hề liên quan đến sách, tuy nhiên anh Nguyễn Khải Anh, 35 tuổi, kỹ sư ô tô tại công ty Toyota Việt Nam (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) vẫn nhớ như in những vần thơ trong cuốn sách tập đọc tiểu học như Bàn tay cô giáo, Mẹ mẹ ơi cô dạy, Cái trống trường em
“Tôi có thể đọc thuộc làu khoảng 10 bài thơ thời tiểu học. Có thể nó không chính xác 100% như trong sách, nhưng cơ bản vẫn là thuộc. Không hiểu sao, những vần thơ ấy cứ in đậm trong tâm trí tôi, dù nhiều biến thiên trong cuộc sống xảy đến, tôi đọc nhiều sách, học nhiều nơi khác...”, anh Khải Anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.