Ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm nay tại Hà Nội

15/06/2024 17:32 GMT+7

Hà Nội xuất hiện ca bệnh viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm nay, dù bệnh nhân đã tiêm đủ 4 mũi vắc xin.

Theo hệ thống giám sát dịch tại Hà Nội, trong tuần qua (từ 7 - 14.6), Hà Nội đã ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản, là bệnh nhân nam, 12 tuổi (địa chỉ tại H.Phúc Thọ). Bệnh nhân đã tiêm 4 mũi vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản (mũi cuối ngày 15.6.2019).

Ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm nay tại Hà Nội- Ảnh 1.

Tiêm chủng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm có vắc xin giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh

LIÊN CHÂU

Bệnh nhân phát bệnh ngày 31.5 với triệu chứng sốt cao, đau đầu. Ngày 1.6, bệnh nhân bị cứng gáy, đi lại loạng choạng và nhập viện tại Bệnh viện Nhi T.Ư ngày 2.6. Tại bệnh viện, xét nghiệm dịch não tủy cho kết quả dương tính với virus viêm não Nhật Bản. Đây là ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm nay. Cùng kỳ năm 2023, Hà Nội không ghi nhận ca nào.

Trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 16 ca thủy đậu, giảm 8 ca so với tuần trước (24 ca). Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có 643 ca mắc thủy đậu, giảm so với cùng kỳ năm 2023 (1.725 ca). Các dịch bệnh uốn ván, não mô cầu, sởi, rubella, liên cầu lợn không ghi nhận trong tuần.

Giám sát ổ dịch bệnh truyền nhiễm

Theo Sở Y tế Hà Nội, ngành y tế tiếp tục truyền thông về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống một số dịch bệnh mùa hè như tay chân miệng, ho gà, thủy đậu, sởi, rubella; các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như dại, liên cầu lợn.

Thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh được phân cấp, nắm bắt tình hình dịch bệnh và tổ chức điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch. Đồng thời, đề nghị người dân cho trẻ tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch của ngành y tế.

Chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao để triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp, kịp thời. Tiếp tục tổ chức các biện pháp xử lý ổ dịch tại xã Đồng Tháp, H.Đan Phượng, giám sát ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2023 tại  các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Đình, Thường Tín, Đống Đa, Ứng Hòa, Thanh Xuân, Hà Đông.

Tiếp tục giám sát vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm các ca mắc, nghi mắc bệnh để áp dụng biện pháp phòng chống dịch kịp thời.

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm virus cấp tính do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh T.Ư, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.

 Với một số vắc xin viêm não Nhật Bản, trẻ cần tiêm nhắc lại sau mỗi 3 năm, cho đến khi 15 tuổi để duy trì khả năng miễn dịch.

Bệnh thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc ly bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10 - 20%.

Ngoài tiêm vắc xin, các biện pháp sau đây cũng góp phần phòng bệnh: vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà; ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.

Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh, cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.