Các bệnh viện tiếp nhận nhiều ca hoại tử xương hàm trên

13/07/2022 04:21 GMT+7

Ngày 12.7, trao đổi với PV Thanh Niên , lãnh đạo các bệnh viện tại TP.HCM gồm Tai mũi họng, Răng hàm mặt TP.HCM và Răng hàm mặt T.Ư cho biết có tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị hoại tử xương hàm trên sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy công bố tiếp nhận 11 ca, trong đó có 2 ca lan qua sàn sọ và tử vong.

Dễ chẩn đoán nhầm

Vài ngày trước, 1 bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Tai mũi họng TP.HCM chia sẻ trên trang cá nhân, sau Covid-19, tình trạng cốt tủy viêm xương sọ mặt, sàn sọ, xương hàm (Maxillary Osteomyelitis) tăng lên và ông đã mổ rất nhiều ca. Các ca bệnh ông tiếp nhận có triệu chứng sưng đau vùng má, đau buốt răng, chảy mủ hôi giống tình trạng viêm xoang do răng. Vì vậy một số BS nha khoa dễ chẩn đoán nhầm và nhổ răng.

Phẫu thuật hoại tử xương hàm trên tại BV Tai mũi họng TP.HCM

BS

Sau đó bệnh bùng phát diễn tiến nặng hơn. Đã có trường hợp kèm nấm xoang và nấm trở nên xâm lấn, sau nhổ răng thì bệnh nhân (BN) bị mù mắt. Theo BS này, bệnh là do tắc mạch máu nuôi xương gây hoại tử và viêm xương. Chia sẻ với PV Thanh Niên, lãnh đạo BV Tai mũi họng, BV Răng hàm mặt TP.HCM cũng cho biết vừa qua BV có tiếp nhận một số ca bệnh hoại tử xương hàm trên, trước dịch Covid-19, BV cũng từng tiếp nhận những ca như vậy. Nhưng để nói bệnh này với Covid-19 có liên quan hay không thì BV không dám kết luận.

Hoại tử xương hàm trên hậu Covid-19: Sở Y tế TP.HCM vào cuộc

Trong khi đó, BS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, BV Răng hàm mặt T.Ư tại TP.HCM, cho biết trước đại dịch, BV có tiếp nhận một số BN hoại tử xương hàm dưới. Nguyên nhân thường gặp nhất là BN sau xạ trị ung thư vùng đầu mặt cổ; một số ca do dùng thuốc điều trị loãng xương. Do xương hàm dưới ít mạch máu nuôi dưỡng hơn xương hàm trên. Thi thoảng 2 - 3 tháng mới có 1 ca hoại tử xương hàm trên nhập viện, thường liên quan đến đái tháo đường. Nhưng thống kê của BV từ tháng 2.2022 đến nay, số BN đi khám hoại tử xương hàm trên tăng đột biến, không rõ nguyên nhân. 5 tháng, BV tiếp nhận 16 BN, trung bình 1 tháng 3 BN. Trong đó có 3 BN hoại tử hàm trên lan lên đến sàn sọ, là những ca BV chưa gặp bao giờ, do đó BV đã hội chẩn BV Chợ Rẫy và chuyển qua Chợ Rẫy để phẫu thuật.

“Trong 16 BN nhập BV, tuổi từ 40 - 70, đặc điểm chung là trước đó đều mắc Covid-19, thời gian khởi phát từ 1 - 3 tháng sau mắc Covid-19. Triệu chứng thường gặp nhất là lung lay răng và xương hàm trên (cả khối); có lỗ rò mủ; sưng đau vùng khẩu cái (vòm miệng); có những vết loét và lộ xương hàm trên. Kết quả chẩn đoán hình ảnh giúp thấy rõ mức độ lan rộng của xương hoại tử”, BS Tuấn thông tin và cho biết thêm, trong điều trị bệnh lý hoại tử hàm trên thì phẫu thuật lấy hết xương hoại tử tới vị trí chảy máu thì ngừng lại. Lấy xương cấy nấm, vi trùng. Sử dụng kháng sinh theo kết quả cấy kháng sinh đồ tối thiểu 3 tuần và theo dõi từ 3 - 4 tháng xem bệnh có tái phát hay không. Nếu BN bệnh ổn định thì có thể phục hình lại hàm. BV Răng hàm mặt T.Ư tại TP.HCM đã thực hiện 13 BN như vậy (trừ 3 BN chuyển BV Chợ Rẫy).

Các yếu tố nguy cơ gây hoại tử xương hàm trên

BS Tuấn cho rằng với căn bệnh này thì BV chưa rõ nguyên nhân, nhưng theo y văn, nguyên nhân hoại tử xương hàm trên sau Covid-19 có 4 yếu tố nguy cơ: Do SARS-CoV-2 bám vào thụ thể ACE-2 (ở niêm mạc mũi, miệng) có khả năng làm tắc vi mạch máu nuôi xương hàm trên và gây tăng đông máu, giảm máu nuôi dưỡng xương; việc sử dụng thuốc Corticosteroid trong phác đồ điều trị Covid-19; bị nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn, vi nấm; những BN có bệnh toàn thân như đái tháo đường…

Đây có thể gọi là bệnh cốt tủy viêm xương hay không? Theo BS Tuấn thì đây là tình trạng hoại tử xương hàm, nặng hơn bệnh cốt tủy viêm xương. Ông phân tích: Bệnh cốt tủy viêm xương là tình trạng viêm phá hủy cấu trúc xương do vi khuẩn hoặc vi nấm gây ra; còn hoại tử xương hàm là toàn bộ cấu trúc mô, xương và tủy xương đều chết nên cần phẫu thuật lấy toàn bộ. Do đó, hoại tử xương hàm điều trị phức tạp hơn, những di chứng để lại cũng nặng nề, nghiêm trọng hơn.

Với tình trạng nặng nề của bệnh, BS Tuấn khuyến cáo người dân khi thấy các dấu hiệu như trên nên đến BV chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị sớm. Nếu bị ở xương hàm trên thì điều trị dễ hơn khi bệnh di chứng đến sàn sọ, nguy cơ tử vong cao do sốc nhiễm trùng, viêm màng não.

Chưa phát hiện ở Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ

Ngày 12.7, PV Thanh Niên đã liên hệ với các BV lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ để tìm hiểu xem có ca bệnh hoại tử xương hàm như tại TP.HCM. Một số BV trả lời chưa phát hiện. Tại TP.HCM, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định trả lời cũng chưa phát hiện nhưng sẽ bắt đầu theo dõi.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.