Các biện pháp phòng ngừa bệnh cúm

03/06/2013 20:05 GMT+7

(TNO) Cúm là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra, bệnh dễ gây thành dịch.

(TNO) Cúm là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra, bệnh dễ gây thành dịch.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 500 triệu - 1,5 tỉ người có thể mắc bệnh cúm, trong đó 3-5 triệu trường hợp cúm nặng và khoảng 250.000-500.000 trường hợp tử vong trên khắp thế giới. Trẻ em, người già, người có bệnh mạn tính là những đối tượng dễ bị biến chứng nhiều nhất khi mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.

Kẻ gây bệnh cúm?

Vi rút cúm (Influenzae) hiện nay đang lưu hành phổ biến tại Việt Nam. Vi rút cúm có rất nhiều chủng nhưng chủng A & B được xác định có khả năng biến đổi hằng năm, có khả năng gây bệnh nghiêm trọng và trở thành dịch trên phạm vi toàn cầu.

Do vậy, hằng năm WHO đều đưa ra khuyến cáo cho việc phòng ngừa cúm. Trong cúm A lưu hành hiện nay, thì cúm gia cầm H5N1 có độc lực cao, tử vong nhanh nhưng chưa có bằng chứng lây từ người qua người và chưa có vắc xin phòng bệnh.

Một chủng cúm gây bệnh phổ biến từ đầu năm đến nay là chủng cúm mùa H1N1 (từng gây ra dịch năm 2009) đã xuất hiện trở lại.

Cho đến nay đã có bốn ca tử vong ghi nhận do chính chủng cúm này gây bệnh. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới, thời điểm giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa như hiện nay được xem là điều kiện lý tưởng để vi rút cúm phát triển và gây bệnh.


Thời điểm giao mùa
vi rút cúm rất dễ phát triển và gây bệnh vì vậy nên chích ngừa để phòng bệnh cúm - Ảnh minh họa: Shutterstock

Cúm lây đường nào?

Bệnh cúm có mức lây nhiễm rất cao do lây qua đường hô hấp. Khi tiếp xúc trực tiếp với người đang bị cúm: qua hắt hơi, bắt tay, hoặc gián tiếp như sờ tay nắm cửa, vòi nước bị nhiễm vi rút cúm, là người bình thường đã có nguy cơ bị mắc bệnh.

Vì vậy, những nơi có cộng đồng dân cư đông đúc như nhà trẻ, trường học, khu công nghiệp, cao ốc văn phòng hay khu nhà tập thể... rất dễ bùng phát dịch bệnh cúm.

Khởi phát của bệnh cúm là sốt cao, ho, đau họng, đôi khi gây nhầm lẫn như bệnh cảm lạnh (do các vi rút khác gây ra với bệnh cảnh nhẹ hơn).

Diễn tiến bệnh cúm sẽ nặng nề hơn cảm lạnh như đau nhức đầu, đau nhức cơ khiến người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm hoặc nhập viện, nhất là khi bị nhiều biến chứng xảy ra.

Các biến chứng của bệnh cúm: viêm đường hô hấp (như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản kịch phát…), hoặc viêm nhiễm ngoài hô hấp như: viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, và đặc biệt có khả năng gây tử vong cao cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai và những người mắc bệnh mạn tính.

Các tổ chức y khoa đã khuyến cáo cúm là yếu tố làm tăng nặng các bệnh lý này, như là: tái phát nhồi máu cơ tim, tăng khả năng đột quỵ trên bệnh tim mạch, làm xuất hiện cơn khó thở cấp của bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hay khó kiểm soát đường huyết trên bệnh đái tháo đường.

Cách bảo vệ bản thân

Để bảo vệ bản thân, người thân trong gia đình và cộng đồng không bị mắc cúm, cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Các biện pháp thụ động: vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc nguồn bệnh trong đó phải rửa tay sạch thường xuyên, và vệ sinh môi trường sinh sống, nơi làm việc. Tăng cường sức khỏe bằng nghỉ ngơi và vận động hợp l‎ý. Khi có dấu hiệu bị cúm phải đi khám kịp thời và cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác.

2. Phòng ngừa chủ động: tiêm ngừa bằng vắc xin cúm ngay khi có thể. Vắc xin cúm được chỉ định sử dụng cho người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi. Công thức một liều vắc xin cúm 2012-2013 gồm 3 chủng: A/H3N2, A/H1N1 và chủng cúm B. Khoảng 2 tuần sau chủng ngừa, cơ thể sẽ tạo được đầy đủ kháng thể bảo vệ giúp phòng ngừa bệnh cúm. Những người bị di ứng với trứng gà hay thịt gà thì không nên tiêm vắc xin cúm do có khả năng bị dị ứng.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo các đối tượng dễ lây nhiễm sau đây nên tiêm phòng vắc xin cúm:

- Nhân viên y tế

- Trẻ em từ 6 tháng - 8 tuổi

- Người già trên 65 tuổi

- Người mắc bệnh mạn tính: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.

Việc tiêm ngừa cúm không chỉ giúp phòng ngừa chủng cúm mùa đang lưu hành (trong đó có chủng cúm A/H1N1 đại dịch) mà còn giúp giảm nhẹ triệu chứng nếu mắc phải các chủng cúm A khác do tính miễn dịch chéo trong vắc xin. Vì vậy nên tiêm ngừa vắc xin cúm ngay khi có thể để đảm bảo miễn dịch bảo vệ.

BS. Nguyễn Thị Minh Phượng
Khoa kiểm soát dịch bệnh - Viện Pasteur TP.HCM

>> Cách phòng ngừa bệnh cúm
>> Ngừa bệnh cúm từ kim chi
>> Trái cây, rau quả ngừa bệnh cúm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.