Các Big Tech và cuộc chiến cáp quang dưới lòng đại dương

22/01/2022 09:49 GMT+7

Trong chưa đầy một thập niên, bốn gã khổng lồ công nghệ - Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google), Meta (trước đây là Facebook) và Amazon, đã thống lĩnh ưu thế về dung lượng cáp quang dưới đại dương.

Trước năm 2012, tỷ lệ công suất cáp quang quốc tế dưới biển mà các công ty này sử dụng là dưới 10%, thế nhưng đến ngày nay (2022) thì con số đó đã tăng lên đến 66%. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu - nhận định của các nhà phân tích, kỹ sư cáp ngầm và chính bản thân các "ông lớn" công nghệ tiết lộ.

Theo công ty phân tích cáp biển TeleGeography, trong vòng ba năm tới thì những hãng này sẽ thống trị phần lớn cáp quang biển kết nối đến các quốc gia giàu có nhất và ngốn băng thông nhất bên bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Dự kiến đến năm 2024, cả 4 ông lớn kể trên sẽ sở hữu lên đến 30 tuyến cáp biển với mỗi đường có thể có độ dài lên đến hàng nghìn dặm, kết nối mọi lục địa trên thế giới với Nam Cực.

Amazon, Meta, Google và Microsoft tự xây dựng, nắm cổ phần nhiều tuyến cáp biển

TELEGEOGRAPHY

Viễn thông truyền thống đặt hoài nghi, nhưng không thể phủ nhận lợi ích

Đáp trả lại sự bùng nổ mạng lưới cáp biển của tư nhân là sự nghi ngờ, thậm chí là thù địch của các công ty viễn thông truyền thống. Giới phân tích trong ngành đã đặt ra quan ngại về việc những hãng công nghệ này có thể ưu tiên phân phối dịch vụ riêng, thậm chí chi phối Internet toàn cầu.

Tuy vậy, không thể phủ nhận về những lợi ích to lớn khi các đơn vị tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, có thể kể đến như giảm chi phí truyền dữ liệu xuyên đại dương cho người dùng. Theo một báo cáo thường niên của TeleGeography, khả năng truyền dữ liệu quốc tế đã tăng lên đến 41%, chỉ tính riêng trong năm 2020.

Chi phí đắt đỏ, đối mặt nhiều thách thức, nhưng "được" nhiều hơn "mất"

Giá trị của mỗi tuyến cáp dưới biển có thể lên đến hàng trăm triệu USD. Không những vậy, việc lắp đặt và bảo trì chúng không hề dễ dàng chút nào.

Bên cạnh điều kiện địa hình, các kỹ sư lắp đặt cáp biển còn phải tránh được các nguy cơ khác như đào phải đường ống dẫn dầu và khí đốt, đường dây tải điện cao thế cho các trang trại gió ngoài khơi, hay thậm chí cả xác tàu đắm và bom chưa nổ... Do đó, việc đặt cáp xuyên đại dương trước đây thường được thực hiện dựa trên nguồn lực của chính phủ và các công ty viễn thông quốc gia của họ.

Tuy nhiên, nguồn lực của “bộ tứ” hàng đầu giới công nghệ hiện nay đã đủ mạnh để “do big things” (làm những điều to lớn). Theo ông Timothy Stronge, Phó chủ tịch nghiên cứu của TeleGeography: "Chi phí mua dung lượng ngày càng cao. Do đó, xây dựng tuyến cáp riêng sẽ giúp những gã khổng lồ công nghệ tiết kiệm hàng tỉ USD phải trả cho nhà khai thác khác".

Cáp ngầm Curie của Google ở Valparaíso, Chile

GOOGLE

Đầu tư cho đối thủ, đảm bảo sự ổn định chung

Bên cạnh tự xây tuyến riêng cho mình, các Big Tech vẫn ưu tiên cùng nhau đầu tư vào các tuyến cáp hơn.

Tiêu biểu có thể kể đến như tuyến Marea dài 6.600 km từ biển Virginia (Mỹ) đến Bilbao (Tây Ban Nha), hoàn thành năm 2017, có một phần sở hữu của Microsoft, Meta và Telxius (công ty con thuộc hãng viễn thông Telefonica). Năm 2019, Amazon cũng ký thỏa thuận với Telxius để sử dụng một trong 8 cặp cáp quang thuộc tuyến Marea đang vận hành. Công suất của tuyến này đạt 200 terabits/giây, đủ để phát đồng thời hàng triệu phim độ phân giải HD qua Internet.

Với việc chia sẻ băng thông giữa các đối thủ cạnh tranh, các công ty có thể đảm bảo được dung lượng trên nhiều tuyến cáp, giữ được sự ổn định về lưu lượng khi một hoặc vài tuyến cáp quang biển bị đứt hoặc hỏng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.