Các bo mạch chủ không-Z của Asus và MSI cho phép ép xung các vi xử lý không-K

01/06/2020 06:30 GMT+7

ASRock là một trong số những hãng cho phép ép xung các vi xử lý không-K của Intel trên các bo mạch chủ không phải dòng Z. MSI và Asus sẽ đưa tính năng này lên các sản phẩm tương đương của mình.

Cách triển khai của cả 2 hãng là tương tự nhau. Qua đó, người dùng có thể điều chỉnh một số thiết lập nguồn điện cho các vi xử lý thế hệ 10 của Intel. Asus gọi đó là APE (Asus Performance Enhancement), trong khi MSI đưa tính năng vào mục “Thiết lập giới hạn năng lượng”.

Hệ thống sẽ tăng tốc tùy thuộc vào bo mạch chủ và hệ thống tản nhiệt, bởi chắc chắn rằng khi tăng tốc độ xung nhịp và thay đổi thiết lập năng lượng, nhiệt độ hoạt động của vi xử lý sẽ tăng lên theo.

Mức TDP của các vi xử lý Intel (PL1) cho biết mức tiêu thụ điện năng khi hoạt động ở mức xung nhịp tối thiểu. Khi Turbo Boost được kích hoạt, điện năng tiêu thụ tăng lên và tốc độ xung nhịp cũng tăng lên, dựa trên thiết lập PL2. Bằng cách tăng cả 2 giá trị trên trong BIOS, cả Asus và MSI đều cho phép các bo mạch chủ của mình cải thiện hiệu năng đối với vi xử lý.

BFB của ASRock có thể tăng PL1 lên 125W, nhưng hãng không chia sẻ giá trị tăng lên của PL2. Theo Benchlife, phần lớn các bo mạch chủ của Asus cũng có thể tăng PL1 lên 125W, ngoại trừ Asus ROG Strix B460-F đạt được đến 210W.

Đối với MSI, Chiphell cho biết MAG B450M Bazooka có khả năng tăng PL1 lên 135W và PL2 lên 180W, trong khi MAG B460 Tomahawk và MAG B460 Mortar (WiFi) cùng đưa PL1 và PL2 lên tận 255W.

Khi APE được kích hoạt, tùy thuộc vào bo mạch chủ Asus đang được sử dụng, tốc độ xung nhịp của nhân trên Core i5-10600 và Core i9-10900 có thể tăng lên 4,4GHz, trong khi Core i7-10700 đạt 4,5GHz. Trên bo mạch chủ MSI, cũng tùy thuộc vào từng sản phẩm nhất định, Core i5-10600 sẽ đạt tốc độ 4,4GHz, trong khi Core i7-10700 đạt 4,6Ghz và Core i9-10900 có thể vươn đến 4,45GHz.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.