KTS Bùi Xuân Tùng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cho biết đến thời điểm này, danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời mới dừng ở mức “được các bộ, ngành triển khai”, chưa trình Thủ tướng phê duyệt, dù Thủ tướng đã giao nhiệm vụ này từ năm 2015 tại Quyết định 130. Do quyết định này không nêu rõ lộ trình phải hoàn thành, nên các bộ cũng không có lý do gì phải vội vã.
Ngoài việc chậm di dời, thì các đơn vị phải di dời cũng không giao lại đất cho Hà Nội. “Đất sau khi di dời phần lớn được sử dụng làm cơ sở 2, hoặc lập dự án đầu tư xây dựng, không bàn giao cho TP để quản lý, khai thác sử dụng vào phát triển…”, ông Tùng cho biết.
Theo thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hà Nội, đến cuối năm 2017, trong số 28 cơ quan bộ, ngành có trụ sở ở nội đô, có 10 cơ quan di dời đến trụ sở mới, nhưng chưa đơn vị nào bàn giao trụ sở cũ...
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, dẫn chứng trường hợp Bệnh viện K (Hà Nội) đã được giao mấy héc ta đất tại Tân Triều (H.Thanh Trì, Hà Nội) để xây dựng cơ sở mới nhưng giờ vẫn xin được sử dụng đất ở cơ sở cũ ngay trên đường Hai Bà Trưng, Q.Hoàn Kiếm, để làm cơ sở chữa bệnh.
Ông Nghiêm cho hay vấn đề này đã được luật Thủ đô đề cập nhưng vướng mắc không thực hiện được nhiều năm nay. Hà Nội muốn thu cũng không thu được vì không đủ mạnh để làm. “Anh Khôi (ông Nguyễn Văn Khôi, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội - PV), người đang ngồi trong hội thảo đây, hồi làm Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng không dám nói mạnh khi đề cập đến vấn đề thu hồi đất tại các cơ sở phải di dời…”, TS Nghiêm nói.
Nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Khôi thừa nhận “đây là vấn đề tồn tại lâu, không giải quyết được”. Theo ông Khôi, để tháo được nút thắt này cần giải quyết cơ chế về giá đất, các cơ sở di dời cũng phải đưa phần đất cũ cho Hà Nội đấu giá, giữ lại một phần để đầu tư phát triển thủ đô.
TS Nghiêm cho rằng nên có quy định các đơn vị di dời trụ sở phải bàn giao lại quỹ đất cho Hà Nội, chứ không để tình trạng các đơn vị lấy đất đó liên doanh, liên kết với doanh nghiệp xây cao ốc làm tăng áp lực dân số tại nội thành. Ngay điều 15 luật Thủ đô cũng đã quy định rõ, quỹ đất sau khi di dời cơ quan T.Ư, đơn vị sự nghiệp công lập phải được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Bình luận (0)