Các Bộ trưởng kinh tế ASEAN thông qua nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất

28/08/2020 11:47 GMT+7

Trong khuôn khổ Hội nghị các Bộ trưởng kinh tế ASEAN trực tuyến lần thứ 52, các văn kiện là sáng kiến của Việt Nam đề xuất đã được đánh giá cao và thông qua.

Triển khai chỉ đạo của các nguyên thủ ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 6, trong tuần qua, ASEAN đã tổ chức Hội nghị các Bộ trưởng kinh tế ASEAN trực tuyến lần thứ 52 (AEM-52) và các đối thoại, tham vấn cấp bộ trưởng với các đối tác ngoại khối.

13 sáng kiến ưu tiên trong Năm Chủ tịch ASEAN

Các hội nghị này được tổ chức từ ngày 25 - 29.8, tại Hà Nội, do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì, với sự tham dự của các Bộ trưởng kinh tế ASEAN, Tổng thư ký ASEAN và đại diện Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN.
Hội nghị AEM-52 đã tập trung thảo luận một số nội dung như: rà soát tiến trình triển khai các sáng kiến về kinh tế trong năm 2020 khi Việt Nam giữ vai trò chủ tịch; thảo luận, cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 và ứng phó của khu vực, bao gồm cả khả năng xây dựng kế hoạch phục hồi toàn diện của ASEAN; thảo luận các khuyến nghị của nhóm đặc trách về hội nhập kinh tế ASEAN trình lên các bộ trưởng kinh tế; thảo luận nội dung chuẩn bị cho đối thoại với hàng loạt đối tác của ASEAN cũng như với cộng đồng doanh nghiệp khu vực…
Các bộ trưởng đã xem xét, thảo luận và thông qua một số văn kiện chính, gồm: chỉ số hội nhập số ASEAN; tài liệu tham chiếu (TOR) về kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN; hướng dẫn thúc đẩy kinh doanh toàn diện trong ASEAN.
Trong đó, “Chỉ số Hội nhập số ASEAN” và “Tài liệu tham chiếu về kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN” là 2 trong tổng số 13 sáng kiến ưu tiên của Việt Nam cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Các sáng kiến còn lại vẫn đang được Việt Nam tham vấn và thúc đẩy triển khai; dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia ASEAN, Việt Nam vẫn nỗ lực thúc đẩy việc tổ chức các hội nghị cấp bộ, cấp vụ cũng như cấp nhóm công tác nhằm duy trì việc vận hành của khung hợp tác kinh tế ASEAN, thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư, kết nối, sáng tạo...
Đặc biệt, Việt Nam đã chủ động đề xuất và tham gia vào các sáng kiến khu vực nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực và thế giới.

Đẩy mạnh thúc đẩy hợp tác với các đối tác lớn ngoại khối

Cùng với đó, nhiều chương trình nghị sự quan trọng đã diễn ra và đạt kết quả tốt đẹp. Trong đó, đáng chú ý là Hội nghị Bộ trưởng kinh tế các nước tham gia hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) lần thứ 8, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, nhằm thảo luận và thúc đẩy đàm phán RCEP, hướng tới khả năng ký kết hiệp định vào cuối năm 2020.

Các Bộ trưởng kinh tế ASEAN thảo luận trực tuyến

Ảnh Moit.gov.vn

Các bộ trưởng ghi nhận những nỗ lực và tiến triển trong đàm phán RCEP cho tới thời điểm này để có thể ký kết tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 14 vào tháng 11 năm nay và tái khẳng định việc bỏ ngỏ cánh cửa tham gia đàm phán đối với Ấn Độ, không chỉ bởi Ấn Độ là nước đã tham gia ngay từ đầu, khi đàm phán RCEP được khởi động từ năm 2012, mà còn vì những tiềm năng mà Ấn Độ có thể mang lại cho sự thịnh vượng chung của khu vực.
Bên cạnh đó, đáng chú ý không kém là những hội nghị trực tuyến với các đối tác ngoại khối, như Trung Quốc, Mỹ, Anh.
Tại hội nghị lần thứ 19 giữa các Bộ trưởng kinh tế ASEAN và Trung Quốc, hai bên đã thống nhất một số nội dung chính: một là Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN từ năm 2009, đạt tổng giá trị giao dịch lên tới 507,9 tỉ USD vào năm 2019 (theo số liệu thống kê từ phía ASEAN) và chiếm 18% tổng giao dịch thương mại của ASEAN. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào khối ASEAN đạt khoảng 9.100 tỉ USD vào năm 2019, chiếm 5,7% tổng giá trị FDI của ASEAN.
Hai là, các bộ trưởng của hai bên ghi nhận rằng năm 2020 là năm đặt dấu mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN, bởi đây là thời điểm kỷ niệm tròn 10 năm thiết lập quan hệ toàn diện về kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc.
Các bộ trưởng thông qua các bước hợp tác tiếp theo nhằm giải quyết và triển khai một cách toàn diện những vấn đề còn tồn đọng trong chương trình hợp tác trong thời gian tới.
Trong khi đó, tại đối thoại trực tuyến với một đối tác ngoại khối khác là Mỹ, các bộ trưởng ghi nhận tổng giá trị giao dịch hàng hóa giữa ASEAN và Mỹ đã tăng trưởng 12% trong năm 2019, đưa thương mại 2 chiều đạt 294.600 tỉ USD, trong khi FDI từ Mỹ vào ASEAN đạt 24.500 tỉ USD.
Điều này đưa Mỹ lên hàng thứ 2 trong số các đối tác thương mại của ASEAN và là nhà đầu tư FDI lớn nhất của ASEAN trong năm 2019.
Các bộ trưởng cũng hoan nghênh những kế hoạch hợp tác trong giai đoạn 2020 - 2021, tập trung vào một số nội dung như: thương mại số, các thông lệ tốt về cải tổ cơ chế chính sách và minh bạch hóa, thương mại và môi trường, thuận lợi hóa thương mại, doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, nông nghiệp.
Các Bộ trưởng kinh tế ASEAN hoan nghênh đề xuất tổ chức đối thoại Mỹ - ASEAN về quyền lao động và thương mại trong năm 2020 nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và trao đổi quan điểm về vấn đề quyền lao động trong các hiệp định thương mại tự do.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.