Để buổi học đầu tiên của năm mới thật vui vẻ và hào hứng, cô Nguyễn Thị Ngọc Huyền (giáo viên tiểu học, ở Q.Thủ Đức, TP.HCM) đang chuẩn bị những phong bao lì xì đẹp “cả hình thức lẫn nội dung”.
Cô Ngọc Huyền chia sẻ: “Mỗi phong bao sẽ bao gồm tiền lì xì và lời chúc năm mới vô cùng ý nghĩa. Mỗi học sinh là mỗi lời chúc khác nhau, là sự gửi gắm động viên các trò phát huy thế mạnh của mình hoặc sự tự tin vượt qua những hạn chế. Lì xì mang tính tượng trưng nhưng tôi tin chắc học trò của tôi sẽ ấm lòng và sẽ có nhiều cố gắng trong học tập và rèn luyện hơn nữa”.
Còn cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (giáo viên lớp 9 tại Q.Tân Phú, TP.HCM) lại có cách lì xì riêng dành cho học sinh. Với sở trường hát hay, có óc hài hước, cô Mỹ Hạnh bật mí: “Ngày đầu tiên đi học, chắc chắn các em chưa chú tâm do vậy tôi sẽ dành những tiết học đầu tiên để cô và trò cùng vui chơi. Ngoài việc để các em trò chuyện, kể về những kỷ niệm vui ngày tết thì tôi còn sưu tầm các bài hát mà tuổi mới lớn đang thích thú để cùng hát với các em. Khoảng cách gần gũi giữa cô với trò sẽ giúp các em quay lại với việc học một cách nhẹ nhàng”.
tin liên quan
Để bắt nhịp học tập sau tếtRiêng giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) thì lưu ý học sinh nên nhập cuộc hứng khởi sau tết bằng việc dành 2 ngày nghỉ cuối cùng để xem lại bài vở và giải quyết bài tập thầy cô giao trước tết. Không nên để tâm lý "tháng giêng là tháng ăn chơi" ảnh hưởng đến việc học vì nhiều trường sẽ có đợt kiểm tra tập trung giữa học kỳ 2 ngay sau kỳ nghỉ này.
Đặc biệt, thầy Đức Anh mách nhỏ: "Học bài thật kỹ rồi xung phong lên dò bài trong tiết đầu tiên của từng môn học sau tết để kiếm điểm 10 đầu năm. Với tâm lý, đầu năm có lì xì, thầy cô thường cho điểm cao”.
Bình luận (0)