AFC không dọa
Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) Windsor John cho biết, AFC đã mở cuộc điều tra sau khi một số CLB của Malaysia vẫn được Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) cấp giấy phép hoạt động chuyên nghiệp, mặc dù bản thân các CLB này không đủ tiêu chuẩn do AFC đặt ra.
Nếu phái đoàn điều tra của AFC khẳng định, FAM đã cấp phép sai, bóng đá Malaysia sẽ bị loại khỏi các Cúp châu Á (AFC Champions League Elite và AFC Champions League 2). Đây là tình trạng từng xảy ra với các CLB của Iran cách nay 2 năm.
Động thái này là hồi chuông cảnh báo cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và các CLB bóng đá trong nước. Bởi tình trạng một vài CLB chưa đủ tiêu chuẩn hoạt động chuyên nghiệp, theo quy định của AFC, vẫn còn xuất hiện tại V-League.
Ở cuộc họp của VFF về việc cấp phép ngoại lệ cho các CLB hồi tháng giữa tháng 6.2024, VFF đã cảnh cáo 4 đội gồm Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định (thuộc V-League) và Bình Phước (thuộc giải hạng nhất), đi kèm với biện pháp phạt tài chính đối với các đội bóng này.
Nguyên nhân là họ chậm trễ trong việc hoàn chỉnh các bước tổ chức một CLB bóng đá chuyên nghiệp theo đúng quy định của AFC. Riêng đối với 2 đội Bình Định và Hải Phòng, các đội này phải gửi tài liệu để chứng minh họ đáp ứng các tiêu chí về tài chính để hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp. Các tài liệu này phải hoàn thiện trong tháng 7.
Vì chỉ được cấp phép ngoại lệ nên các CLB nói trên phải nộp phạt 100 triệu đồng. Tuy nhiên, một CLB trong số các CLB này đã không đóng tiền phạt. Và theo Quy định kỷ luật của VFF, CLB đó sẽ phải chịu hình thức xử lý rất nặng.
Siết chặt các quy định trước khi quá muộn
Người hâm mộ mong muốn VFF phải làm quyết liệt, bởi nếu không có sự quyết liệt, một khi AFC vào cuộc và phát hiện VFF xử lý qua loa với các CLB trong hệ thống thi đấu của mình, AFC sẽ làm đến nơi đến chốn và sẽ trực tiếp phạt bóng đá Việt Nam, như họ từng phạt bóng đá Iran và đang răn đe mạnh mẽ bóng đá Malaysia.
Trong tình huống xấu nhất khi AFC ra tay, bóng đá Việt Nam không chỉ mất điểm, mất mặt, mà còn mất luôn quyền xuất hiện ở các sân chơi quốc tế. Điều này, nếu xảy ra, sẽ khiến các CLB vốn làm rất nghiêm túc trong khâu vận hành theo mô hình chuyên nghiệp, bị liên lụy vì những đội thiếu chuyên nghiệp.
Chưa kể, nếu mất quyền tham dự các giải đấu quốc tế, bóng đá Việt Nam chẳng khác nào đi lùi vài thập kỷ, lùi về thời kỳ mà các CLB bóng đá trong nước hầu như chỉ thi đấu nội bộ với nhau, không tiếp xúc với những chuyển động của bóng đá quốc tế xung quanh mình. Điều đó, tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng bóng đá Việt Nam dần tụt hậu nói chung so với quốc tế. Chưa hết, việc cấp phép khiên cưỡng cho các đội bóng không đủ năng lực hoạt động bóng đá chuyên nghiệp, nhất là không đủ năng lực về tài chính có thể dẫn đến những hệ lụy cực kỳ nguy hại về sau, không chỉ đối với nền bóng đá mà nguy hại cho chính các cầu thủ, HLV, những người trực tiếp lao động ở các CLB. Bài học của những TQN, CLB CT, CLB KG… vài năm qua là những ví dụ nhãn tiền. CLB không đủ năng lực tài chính duy trì hoạt động, đột ngột biến mất với những khoản nợ lương, nợ chế độ cầu thủ, người lao động vĩnh viễn không được giải quyết.
Hiện tại, đội Hải Phòng mới chỉ được cấp giấy phép ngoại lệ và đội này chưa nộp phạt. Theo Quy định kỷ luật của VFF, các đối tượng không chấp hành nghĩa vụ tài chính và không đủ tư cách, sẽ bị từ phạt hành chính (tối thiểu 10 triệu đồng). Sau khi được gia hạn thời gian để các CLB hoàn tất nghĩa vụ tài chính, CLB Hải Phòng vẫn không nộp phạt thì có nguy cơ bị trừ điểm, hoặc bị đánh rớt hạng, hoặc cấm tham gia hoạt động bóng đá có thời hạn (nếu lỗi nặng và mang tính chây ì, không nghiêm túc thực hiện quy định).
VFF cần mạnh tay xử lý. Bởi, chuyện này hiện không còn là chuyện của riêng bóng đá Việt Nam mà đã trở thành câu chuyện mang tính quốc tế, với sự can thiệp của AFC bất lúc nào. Muốn hòa nhịp với chuyển động của bóng đá quốc tế, bóng đá Việt Nam phải chặt chẽ từ những điều cốt lõi nhất, thường nhật nhất!
Bình luận (0)